Diễn biến thị trường gây thất vọng trong phiên chiều 7/1. Nỗ lực yếu ớt chủ yếu dựa vào một số mã vốn hóa lớn, trong khi thanh khoản mỏng đã khiến VN-Index đóng cửa dưới mốc 1.250 điểm.
Cụ thể, chỉ số đại diện sàn HoSE kết phiên tại 1.246,95 điểm, mức tăng thu hẹp đáng kể so với buổi sáng, chỉ nhích nhẹ 0,6 điểm tương ứng 0,05%. HNX-Index giảm 1,96 điểm tương ứng 0,88% và UPCoM-Index cũng điều chỉnh 0,61 điểm tương ứng 0,65%.
Khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 560,05 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch ngang với phiên hôm qua, đạt 13.188,92 tỷ đồng. HNX có 42,34 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 760,51 tỷ đồng và UPCoM có 27,6 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 332,48 tỷ đồng.
Thời điểm đóng cửa, toàn thị trường có 716 mã cổ phiếu “chết thanh khoản” (không phát sinh giao dịch). Độ rộng nghiêng về phía các mã giảm giá với 482 mã giảm so với 309 mã tăng. Sàn HoSE “xanh vỏ đỏ lòng” khi số mã giảm lên tới 252 mã, áp đảo so với 156 mã tăng.
Theo đó, những cổ phiếu khiến VN-Index tăng bất chấp phần lớn cổ phiếu sàn HoSE giảm là BID, BCM, MBB, CTG, FPT, NAB… Riêng BID mang lại cho VN-Index 1,97 điểm, BCM đóng góp 0,64 điểm; MBB đóng góp 0,59 điểm; CTG đóng góp 0,46 điểm..
Phiên này, cổ phiếu NAB gây chú ý lớn do tăng kịch biên độ lên 16.900 đồng, khớp lệnh cao, đạt 14,7 triệu đơn vị. BID tăng 4,1%; MBB tăng 2,1%; STB tăng 1,8%; LPB tăng 1,3%; VIB tăng 1%. Chiều ngược lại, HDB điều chỉnh 1%; MSB, VCB, OCB, SHB, VPB, EIB cùng giảm giá.
Nhóm ngành dịch vụ tài chính đồng loạt điều chỉnh. APG giảm 3,8%; VCI, DSE, SSI, CTS, VND, AGR đều giảm trên mức 1%. Tương tự với cổ phiếu bất động sản: NLG giảm 4,6%; NTL giảm 4,6%; PDR giảm 3,8%; TDH giảm 3,6%; DIG giảm 3,5%.
GMC tiếp tục giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp, trắng bên mua; VCA giảm sàn về mức 10.650 đồng. Cổ phiếu YEG của Yeah1 gây thất vọng, trượt về mức giá sàn 16.950 đồng, khớp lệnh 9,1 triệu đơn vị và cuối phiên còn dư bán giá sàn 327.500 cổ phiếu. Lượng hấp thụ giá sàn tại YEG hôm nay đạt 3,56 triệu đơn vị.
Phiên này đã là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp của YEG sau khi đột ngột tăng trần vào phiên 3/1. Theo đó, những nhà đầu tư mua đuổi giá trần cổ phiếu YEG 2 phiên trước thì chiều nay có thể cắt lỗ nhưng phải chấp nhận thiệt hại nặng, còn những nhà đầu tư tiếp tục “ôm” cổ phiếu thì phải chứng kiến tài khoản bị bào mòn.
Kể từ phiên quay đầu giảm sàn vào ngày 26/12/2024 tới nay, YEG có 7 phiên giảm, trong đó 5 phiên giảm sàn, 2 phiên giảm nhẹ, tổng mức điều chỉnh xấp xỉ 27%.