Mới đây, CTCP Ô tô TMT (TMT Motors – HoSE: TMT) vừa công bố chi tiết kế hoạch phát triển 30.000 trạm sạc trên toàn quốc, đồng thời kêu gọi chủ đất, chủ bãi xe và nhà đầu tư cùng hợp tác phát triển mô hình trạm sạc.
![]() |
Ảnh: TMT Motors |
Cụ thể, TMT Motors hiện đang triển khai 2 mô hình hợp tác chính:
– Cho thuê mặt bằng (miễn phí lắp đặt): Chủ đất nhận doanh thu định kỳ từ phần trăm lợi nhuận mỗi giao dịch sạc.
– Đồng đầu tư trạm sạc: Chủ đất góp vốn lắp đặt, chia sẻ lợi nhuận theo tỷ lệ, được hưởng thu nhập cao hơn và có quyền sở hữu thiết bị theo thời gian.
Toàn bộ thiết bị trạm sạc sẽ do TMT Motors cung cấp, lắp đặt và bảo trì. Chủ đất không cần chuyên môn kỹ thuật, chỉ cần mặt bằng đáp ứng tiêu chuẩn điện và có diện tích tối thiểu khoảng 40m2 trở lên.
Đáng chú ý, doanh nghiệp cam kết trạm sạc không chỉ phục vụ xe của TMT mà còn mở cửa cho các hãng xe điện khác, giúp tăng tần suất sử dụng và tối đa hóa doanh thu cho đối tác.
“Chủ đất có thể thu lợi nhuận thụ động từ phí sạc mà không cần vận hành phức tạp như cho thuê mặt bằng kinh doanh. Đây là mô hình đầu tư hiệu quả, ít rủi ro và mang tính bền vững dài hạn”, đại diện TMT Motors chia sẻ.
Theo kế hoạch, trong năm 2025, TMT Motors sẽ triển khai chuỗi trạm sạc đầu tiên tại Hà Nội và TP. HCM, sau đó mở rộng ra các tỉnh trọng điểm và trên toàn quốc. Chủ đất đăng ký sớm sẽ được ưu tiên vị trí “vàng”, được hỗ trợ truyền thông quảng bá điểm sạc và đồng hành phát triển mô hình kinh doanh mới.
Ngoài doanh thu từ phí sạc, tại một số điểm trạm, chủ đất còn có thể tích hợp thêm các tiện ích như café, rửa xe, cửa hàng tiện lợi, quảng cáo ngoài trời, nhằm tạo thêm nguồn thu phụ đáng kể.
“Đây không chỉ là cơ hội đầu tư tài chính mà còn là cách để mỗi người góp phần vào mục tiêu vì một Việt Nam xanh, sạch hơn”, đại diện TMT Motors nhấn mạnh.
Trước đó, TMT Motors đã mở rộng hợp tác với liên doanh SGMW (SAIC – General Motors – Wuling) nhằm đưa thêm nhiều mẫu xe điện giá rẻ vào thị trường Việt Nam. Theo thỏa thuận mới, từ năm 2025, TMT Motors sẽ nhập khẩu, đồng thời tiến tới sản xuất và lắp ráp xe điện tại nhà máy trong nước.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý I/2025, TMT ghi nhận doanh thu thuần đạt 676 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết toàn bộ sản lượng bán hàng trong quý đều là các dòng xe đạt chuẩn Euro 5. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp đạt 61,3 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong kỳ, chi phí tài chính giảm mạnh 76%, còn 6,6 tỷ đồng, nhờ việc đẩy nhanh giải phóng hàng tồn kho và tất toán trước hạn các khoản vay ngân hàng. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lần lượt giảm 43% và 13%, còn 8,7 tỷ đồng và 13 tỷ đồng, nhờ chiến lược siết chặt quản trị chi phí và tái cấu trúc sản xuất.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của TMT Motors trong quý I/2025 đạt 33,76 tỷ đồng, tăng vọt 124,6 lần so với chỉ 269 triệu đồng cùng kỳ năm trước. Dù vậy, công ty vẫn đang ghi nhận lỗ lũy kế hơn 236 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2024, TMT Motors ghi nhận mức lỗ kỷ lục 325 tỷ đồng. Bước sang năm 2025, doanh nghiệp đặt ra mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ: Tiêu thụ 8.075 xe (tăng 152% so với 2024), doanh thu thuần 3.839 tỷ đồng (tăng 65%) và lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 270 tỷ đồng.