spot_img
18 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánCTCK dự báo một nhóm ngành có lợi nhuận tăng vọt trong...

CTCK dự báo một nhóm ngành có lợi nhuận tăng vọt trong quý 1/2025

Trong nửa cuối quý 1/2025, các thông tin về kế hoạch kinh doanh 2025 và câu chuyện lợi nhuận quý đầu năm của DNNY được kỳ vọng sẽ là màu sắc tích cực của thị trường.

Tăng trưởng lợi nhuận quý 1 dự báo giảm tốc về còn 7%

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định tăng trưởng lợi nhuận trong quý 4/2024 đạt 34,7% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Trong nửa cuối quý 1/2025, các thông tin về kế hoạch kinh doanh 2025 và câu chuyện lợi nhuận quý đầu năm của DNNY được kỳ vọng sẽ là màu sắc tích cực của thị trường.

CTCK dự báo một nhóm ngành có lợi nhuận tăng vọt trong quý 1/2025- Ảnh 1.

Mức tăng trưởng trong quý 1/2025 dự báo có sự giảm tốc về còn 7% khi mất đi hiệu ứng nền thấp của cùng kỳ năm trước. Nhóm phi tài chính giảm nhẹ do biên lợi nhuận bình thường hóa, trong khi đó nhóm dịch vụ tài chính bị ảnh hưởng bởi vòng quay tài sản khi thanh khoản thị trường duy trì mức thấp so với cùng kỳ. Dẫn dắt cho mức tăng trưởng trong quý đầu năm dự báo đến từ nhóm bất động sản (46% svck) và ngân hàng (10% svck).

CTCK dự báo một nhóm ngành có lợi nhuận tăng vọt trong quý 1/2025- Ảnh 2.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán quý đầu năm 2025 sẽ xoay quanh một số câu chuyện chính, trong đó có Chính sách của ông Trump trong 100 ngày đầu tiên nhận chức. Trong khi Canada, Mexico, Trung Quốc là những cái tên đầu tiên đã được đưa vào mục tiêu áp thuế thì Việt Nam chưa phải là ưu tiên hàng đầu trong việc áp dụng chính sách thuế quan.

VDSC cho rằng nguyên do là các vấn đề về Việt Nam chỉ nằm gói gọn trong việc “thâm hụt thương mại” mà không ảnh hưởng đến an ninh hay vị thế siêu cường số một của nước Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam với đường lối chính sách đối ngoại trung lập sẽ có thể hưởng lợi trong giai đoạn đầu của chính sách thuế quan 2.0.

Mặt khác, những nỗ lực cải cách thị trường kỳ vọng sẽ đạt kết quả mong đợi. Theo đó, Việt Nam nhiều khả năng sẽ được đánh giá đủ điều kiện nâng hạng theo FTSE trong kỳ đánh giá tháng 3/2025. Đồng thời những thông tin về việc vận hành hệ thống giao dịch mới (KRX) sẽ tạo thêm điểm nhấn tích cực trong 3 tháng tới.

Ngược chiều, yếu tố nhà đầu tư cần quan sát là rủi ro căng thẳng leo thang trong thương chiến Mỹ -Trung lần hai. Phản hồi của Trung Quốc đối với kế hoạch áp thuế của ông Trump rất khác với cách phản ứng của Mexico hay Canada và đang cho thấy quốc gia này đã có sự chuẩn bị.

Do vậy, nếu các cuộc thương lượng sắp tới giữa hai bên không đạt kết quả và dẫn đến căng thẳng leo thang sẽ là rủi ro lớn đối với thị trường toàn cầu khi các kỳ vọng về lạm phát, tăng trưởng cũng như chính sách tiền tệ trên thế giới sẽ lệch về kịch bản tiêu cực. Thị trường toàn cầu có thể chứng kiến một đợt biến động mạnh như những gì đã diễn ra vào năm 2018 khi Thuế quan được sử dụng, và gián tiếp ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam.

Vùng điểm dưới 1.250 vẫn phù hợp để tích luỹ cổ phiếu

Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh quý 4/2024 ấn tượng, định giá TTCK Việt Nam vẫn đang hấp dẫn với P/E trailing của VN-Index giảm về 12,4x (phân vị thứ 26% trong lịch sử giao dịch 5 năm của VN-Index).

CTCK dự báo một nhóm ngành có lợi nhuận tăng vọt trong quý 1/2025- Ảnh 3.

Kết hợp với triển vọng kinh doanh quý 1/2025 vẫn giữ được sự tích cực, rủi ro giảm giá được đánh giá ở mức thấp so với triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn. Do vậy, mặc dù trạng thái giằng co thận trọng vẫn đang hiện diện, VDSC tin rằng vùng điểm dưới ngưỡng 1.250 vẫn đang là vùng thích hợp cho việc tích lũy cổ phiếu.

Cho cả năm 2025, VDSC duy trì quan điểm rằng vùng định giá P/E hợp lý của VN-Index là 13,3x – 14,4x lần, tương ứng vùng điểm hợp lý của VN-Index là 1.339-1.446 điểm, khi chưa có yếu tố làm thay đổi kỳ vọng về các kịch bản lãi suất trong năm nay. Lạm phát và tỷ giá là hai vấn đề lớn cần quan sát.

Về ý tưởng đầu tư, đội ngũ phân tích đề xuất danh mục với tỷ trọng cân bằng như đã đề ra trong báo cáo chiến lược năm có sự kết hợp giữa cổ phiếu vốn hóa lớn và cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để có thể tận dụng được cơ hội từ (1) Nỗ lực cải cách môi trường chính sách của Chính phủ, mở ra cơ hội nâng hạng cho TTCK Việt Nam, (2) Đầu tư công tăng tốc trong khi đầu tư tư nhân phục hồi, và (3) Tiêu dùng cải thiện khi kinh tế thế giới và trong nước phục hồi và tăng trưởng. Đồng thời, thực hiện tái cân bằng danh mục định kỳ hằng tháng và thay thế mới khi có cơ hội đầu tư tốt hơn hoặc cổ phiếu đạt kỳ vọng về giá.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật