Chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo cập nhật triển vọng thị trường nửa cuối năm 2025, trong đó có những đánh giá khả quan đối với ngành thép nhờ các yếu tố hỗ trợ từ nhu cầu trong nước.
Theo báo cáo, kênh tiêu thụ nội địa dự kiến tiếp tục tăng trưởng nhờ 2 động lực chính là sự phục hồi của thị trường bất động sản và tiến độ giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh. Trong khi đó, giá thép đang cần thêm thời gian để hồi phục, do nhu cầu tại thị trường Trung Quốc (quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới) vẫn đang phục hồi chậm.
Một điểm nhấn quan trọng là ngày 4/7 vừa qua, Việt Nam chính thức ban hành mức thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) với mức thuế từ 23,1% đến 27,83%. Biện pháp này có hiệu lực tối đa 5 năm, nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước cũng như tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa.
Bên cạnh đó, các biện pháp tương tự áp dụng đối với mặt hàng tôn mạ cũng đang được xem xét và dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa cuối năm 2025 sau giai đoạn rà soát sơ bộ. SSI cho rằng các rào cản kỹ thuật này sẽ tiếp tục củng cố lợi thế cho doanh nghiệp nội địa, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong bối cảnh thị trường xuất khẩu còn gặp nhiều thách thức.
![]() |
Yếu tố trong nước được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng ngành thép |
Triển vọng lợi nhuận của toàn ngành được đánh giá khả quan, với động lực chính đến từ Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG). Trong nửa cuối năm 2025, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long dự kiến vận hành giai đoạn 1 dự án Dung Quất 2 ở công suất tối đa sau quá trình thử nghiệm, đồng thời đưa giai đoạn 2 vào vận hành từ giữa quý III/2025. Nhờ các yếu tố hỗ trợ về thị trường lẫn chính sách, SSI dự báo lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát có thể tăng tới 63% so với cùng kỳ năm trước trong 6 tháng cuối năm.
Ở chiều ngược lại, đối với các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ như Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) và Thép Nam Kim (HoSE: NKG), công ty chứng khoán duy trì đánh giá thận trọng. Thị trường nội địa đang có dấu hiệu cạnh tranh gay gắt hơn, trong khi chi phí đầu vào tiếp tục neo cao, gây sức ép lên biên lợi nhuận.
Về dài hạn, SSI bày tỏ lo ngại về tình trạng dư cung trong phân khúc tôn mạ. Cụ thể, các doanh nghiệp lớn như NKG và GDA đang có kế hoạch mở rộng tổng công suất thêm khoảng 1,5 triệu tấn mỗi năm, nâng tổng công suất toàn ngành lên 8,7 triệu tấn – tăng 20% so với hiện tại. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ tôn mạ và ống thép trong nước năm 2024 chỉ đạt khoảng 8 triệu tấn. Nếu nhu cầu không tăng tương ứng, ngành có thể đối mặt với dư thừa công suất khoảng 10%, từ đó tạo áp lực lên giá bán và biên lợi nhuận trong thời gian tới.