spot_img
33.5 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánCuộc chiến HRC toàn cầu có tác động thế nào đến Hòa...

Cuộc chiến HRC toàn cầu có tác động thế nào đến Hòa Phát (HPG)?

Dù xuất khẩu HRC sang EU và Mexico chịu sức ép thuế quan, Hòa Phát vẫn có lối thoát. Việc xoay trục sang Mỹ và tận dụng lợi thế tại Đông Nam Á đang giúp tập đoàn này củng cố đà tăng trưởng – cả về sản lượng và lợi nhuận.

Theo báo cáo mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) đã cập nhật đánh giá về ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu HRC đối với Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG).

Tại thị trường châu Âu và Anh, 2 khu vực này đã công bố thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với HRC nhập khẩu từ Việt Nam (thuế suất 12,1%) từ ngày 7/4/2025. Nửa đầu năm 2024, EU chiếm khoảng 30% tổng sản lượng xuất khẩu HRC của Hòa Phát.

Tuy nhiên, kể từ tháng 8/2024, Việt Nam chịu trần hạn ngạch thuế quan. BSC nhận thấy doanh nghiệp đã chủ động giảm xuất khẩu sang EU do thời gian thông quan kéo dài. Do đó, mức độ ảnh hưởng của thuế CBPG công bố vào tháng 4/2025 lên sản lượng xuất khẩu sang EU sẽ không lớn. BSC ước tính tỷ trọng HRC tại 2 khu vực này chỉ chiếm khoảng 15% tổng sản lượng xuất khẩu của Hòa Phát.

Cuộc chiến HRC toàn cầu có tác động thế nào đến Hòa Phát (HPG)?
Đánh giá ảnh hưởng thị trường xuất khẩu HRC (Nguồn: BSC)

Tại thị trường Bắc Mỹ, khu vực Canada không ghi nhận hoạt động xuất khẩu, trong khi tại Mỹ, Hòa Phát đã bắt đầu xuất khẩu HRC trực tiếp từ năm 2025. Riêng Mexico đã khởi xướng điều tra CBPG đối với thép HRC từ Việt Nam vào tháng 3/2025.

Thị trường Mexico hiện chiếm khoảng 15% sản lượng xuất khẩu HRC của Hòa Phát. Trong trường hợp Mexico áp thuế CBPG và Mỹ vẫn giữ điều kiện thuận lợi cho HRC Việt Nam, Hòa Phát có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ để bù đắp.

Tại ASEAN, Malaysia chiếm 30–40% tổng sản lượng xuất khẩu HRC từ Việt Nam. Với việc chỉ có 1 nhà máy nội địa sản xuất HRC, nước này vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. BSC đánh giá khả năng Việt Nam bị kiện CBPG tại đây là rất thấp.

Thị trường Indonesia hiện chiếm khoảng 35% tổng sản lượng xuất khẩu HRC của Việt Nam. Indonesia chưa điều tra CBPG đối với HRC từ Việt Nam và trước đó đã áp thuế CBPG với sản phẩm từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Belarus. Điều này đang tạo lợi thế rõ rệt cho các doanh nghiệp thép Việt, ít nhất là cho đến hết năm 2025.

Các thị trường còn lại (Nam Mỹ, Úc…) chỉ chiếm khoảng 1% sản lượng xuất khẩu hiện tại. Hòa Phát đang tích cực mở rộng sang các thị trường này để đa dạng hóa đầu ra.

Về triển vọng tài chính, BSC dự báo lợi nhuận quý II/2025 của Hòa Phát sẽ đạt 3.800–4.000 tỷ đồng, nhờ 2 yếu tố: (1) Sản lượng tiếp tục tăng 4–5% nhờ nhà máy Dung Quất 2 đi vào hoạt động; (2) Giá HRC đã tăng 2–3% so với quý trước và tăng 3% kể từ đáy tháng 2/2025 – thời điểm trước khi áp thuế CBPG.

Cả năm 2025, BSC dự phóng Hòa Phát ghi nhận doanh thu 176.887 tỷ đồng (+27% YoY), lợi nhuận sau thuế 15.719 tỷ đồng (+31% YoY). Động lực tăng trưởng đến từ chi phí sản xuất cạnh tranh, mạng lưới phân phối rộng khắp và việc Việt Nam áp thuế CBPG tạm thời với HRC Trung Quốc.

Cuộc chiến HRC toàn cầu có tác động thế nào đến Hòa Phát (HPG)?
BSC dự phóng kết quả kinh doanh của Hòa Phát giai đoạn 2025-2026

Đáng chú ý, BSC khuyến nghị mua mạnh cổ phiếu HPG, với giá mục tiêu đến cuối năm 2026 là 35.800 đồng/cp, tương đương mức tăng 39% so với giá đóng cửa ngày 19/5/2025. Định giá dựa trên P/B mục tiêu 1,5x, phản ánh tiềm năng tăng trưởng từ nhà máy Dung Quất 2 – nơi sản lượng dự kiến tăng 32% năm 2025 và 23% năm 2026. Mô hình định giá đã tính đến việc nhà máy vận hành ở mức 90% công suất vào cuối 2026.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật