Ngày 11/4, Đại học Michigan công bố chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ giảm 11% trong tháng 4, về 50,8 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2022 và thấp thứ hai trong lịch sử hơn 70 năm của chỉ số này.
Cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động vài tháng qua đang gây sức ép lớn lên tâm lý của người Mỹ. Khảo sát cho thấy tâm trạng của người dân càng xuống thấp trước khi ông Trump công bố thuế nhập khẩu đối ứng tuần trước.
“Cũng như tháng trước, sự sụt giảm lần này diễn ra trên diện rộng và đồng nhất ở mọi lứa tuổi, thu nhập, trình độ học vấn, khu vực địa lý và xu hướng chính trị”, Joanne Hsu – Giám đốc phụ trách khảo sát này cho biết. Niềm tin tiêu dùng đã giảm hơn 30% so với tháng 12/2024, do lo ngại về cuộc chiến thương mại.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và cả Wall Street đều đang theo sát chỉ số này, vì nó có thể phản ánh chi tiêu của người dân. Mỹ là nền kinh tế tiêu dùng, khi lĩnh vực này đóng góp 70% GDP. Tiêu dùng đi xuống sẽ kéo tụt tăng trưởng của nước này.
- Người dân mua sắm trong một trung tâm thương mại ở Pennsylvania (Mỹ). Ảnh: Reuters
Cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động liên tục có diễn biến mới trong 2 tháng qua. Ngày 9/4, ông Trump thông báo hoãn áp thuế đối ứng ở mức cao với hàng chục đối tác thương mại thêm 90 ngày. Tuy nhiên, ông giữ nguyên thuế cơ bản 10% với tất cả đối tác thương mại. Thậm chí, mức thuế đối ứng với Trung Quốc còn bị nâng lên 125%. Ngày 11/4, Trung Quốc trả đũa bằng cách nâng thuế nhập khẩu với toàn bộ hàng hóa Mỹ lên 125%.
Căng thẳng thương mại khiến nhà đầu tư bán tháo tài sản tại Mỹ. Wall Street giảm vài phiên liên tiếp trước khi tăng trở lại nhờ tin Mỹ hoãn áp thuế. Nhưng phiên sau đó, các chỉ số lại giảm gần 3% khi Nhà Trắng xác nhận tổng thuế áp với Trung Quốc là 145%.
Cổ phiếu là tài sản rủi ro. Tuy nhiên, kể cả các kênh đầu tư nổi tiếng an toàn là USD và trái phiếu chính phủ Mỹ cũng bị bán tháo.
Đồng đôla đã mất giá liên tiếp trong 2 phiên qua. Dollar Index hiện xuống 99,7 điểm – thấp nhất kể từ giữa năm 2022.
Brad Bechtel – Giám đốc phụ trách ngoại hối tại Jefferies, cho biết việc đồng đôla yếu đi chủ yếu do nhà đầu tư đánh giá sự vượt trội về kinh tế của Mỹ đang đi xuống. Vì thế, họ chuyển sang mua các tài sản an toàn khác là yen Nhật Bản và franc Thụy Sĩ.
“Một sự thay đổi lớn đang diễn ra. Nhà đầu tư ngoại đang đa dạng hóa tài sản, bán bớt tài sản Mỹ để chuyển tiền vào các khu vực khác, như eurozone. Việc này đang gây thêm sức ép lên đồng đôla”, Bechtel nói.
Trong khi đó, phiên 11/4, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm lên 4,59% – cao nhất kể từ ngày 13/2. Lợi suất này vừa ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2001, khi trái phiếu chính phủ Mỹ bị bán tháo.
- Người dân mua sắm trong một trung tâm thương mại ở Pennsylvania (Mỹ). Ảnh: Reuters
- Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trong 2 năm qua. Đồ thị: Reuters
Trái phiếu chính phủ Mỹ vốn được coi là một trong những tài sản an toàn nhất thế giới, được nhà đầu tư tin tưởng rót tiền trong thời kỳ biến động kinh tế. Khi chứng khoán bị bán tháo, nhà đầu tư thường đổ tiền vào trái phiếu chính phủ. Vì thế, việc cả hai kênh đầu tư này cùng đi xuống cho thấy nhà đầu tư đang lo lắng về sự ổn định kinh tế trên quy mô lớn. Họ ngờ vực về khả năng chính phủ Mỹ trả được các khoản vay, trong bối cảnh thuế nhập khẩu được dự báo ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Làn sóng bán tháo khiến Nhà Trắng chú ý. “Mọi người đang cảm thấy một chút lo lắng. Thị trường trái phiếu rất phức tạp”, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hôm 8/4.
“Thị trường trái phiếu khiến Tổng thống Mỹ lo ngại. Nhà đầu tư thể hiện rằng họ không hài lòng với những gì đang diễn ra, và Mỹ có nguy cơ suy thoái kinh tế”, Ed Yardeni – Giám đốc Yardeni Research cho biết trên CNN.
Ngân hàng Goldman Sachs nhận định Mỹ tăng trưởng yếu hơn trong năm nay. GDP nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể chỉ tăng 0,5% trong quý IV. Xác suất suy thoái trong 12 tháng tới là 45%. Chỉ trong một tuần, Goldman Sachs đã 2 lần nâng xác suất Mỹ suy thoái.
Hàng loạt ngân hàng khác gần đây cũng lên tiếng cảnh báo về kinh tế Mỹ, gồm Barclays, BofA Global Research, Deutsche Bank, RBC Capital Markets và UBS Global Wealth Management. Họ cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đối mặt với rủi ro suy thoái lớn hơn trong năm nay, nếu Tổng thống Trump duy trì chính sách hiện tại.
Bên cạnh đó, chính sách thuế nhập khẩu của ông Trump cũng làm tăng lo ngại nhà đầu tư quốc tế bán trái phiếu chính phủ Mỹ để nâng vị thế đàm phán. Ngoài ra, việc giảm ngoại thương với Mỹ cũng đồng nghĩa nhà đầu tư ngoại có ít USD hơn để mua trái phiếu Mỹ.
Giới phân tích cho rằng chính biến động trên thị trường trái phiếu Mỹ tuần này đã khiến ông Trump ra quyết định hoãn thuế đối ứng.”Việc hoãn thuế đến nhanh hơn dự báo của chúng tôi, có lẽ là do diễn biến thị trường. Tình hình này trái ngược với sự hào hứng của ông Trump khi công bố thuế đối ứng cách đây một tuần”, Mohit Kumar – kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại ngân hàng đầu tư Jefferies cho biết hôm 9/4.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett thừa nhận thị trường trái phiếu có tác động đến quyết định hoãn thuế của ông Trump, nhưng bác bỏ diễn biến này gây ra “động thái hoảng loạn”. “Thực tế cho thấy thị trường trái phiếu đang nói với chúng ta rằng ‘Đã đến lúc hành động’. Việc này có ảnh hưởng một chút đến cách suy tính của chúng tôi”.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business hôm 9/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent chỉ nhận định diễn biến trên thị trường trái phiếu “không dễ chịu, nhưng là bình thường”.
Bill Ackman – nhà đầu tư nổi tiếng người Mỹ và cũng là người ủng hộ ông Trump – lại có cách nhìn khác. “Thị trường chứng khoán đi xuống, lợi suất trái phiếu tăng, còn giá USD thì giảm. Tất cả những điều này không phải là dấu hiệu của một chính sách thành công”, ông kết luận.
Hà Thu (theo Reuters, CNN)