spot_img
32.4 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánĐạm Cà Mau (DCM) xuất khẩu 30.000 tấn urê sang thị trường...

Đạm Cà Mau (DCM) xuất khẩu 30.000 tấn urê sang thị trường phân bón khó tính hàng đầu thế giới

Việc đạt chứng chỉ của Úc giúp sản phẩm Đạm Cà Mau (DCM) được miễn kiểm tra tại cảng đến, qua đó giảm mạnh thời gian thông quan và chi phí logistics. Urê Cà Mau cũng được xếp vào nhóm đạt chuẩn cao nhất, đủ điều kiện phân phối với mức giá tốt hơn.

Tháng 7/2025, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, với lô hàng 30.000 tấn phân bón sang thị trường Úc – một trong những quốc gia có hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt bậc nhất thế giới.

Đây là lô hàng trọng điểm được triển khai sau khi Đạm Cà Mau đạt chứng chỉ Level One vào tháng 3/2025 – cấp độ cao nhất trong hệ thống kiểm soát nhập khẩu phân bón vô cơ của Úc. Chứng chỉ do Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Úc (DAFF) cấp, sau quá trình đánh giá thực địa toàn diện đối với hệ thống sản xuất, đóng gói và kiểm dịch sinh học của Đạm Cà Mau.

Đạm Cà Mau (DCM) xuất khẩu 30.000 tấn urê sang thị trường phân bón khó tính hàng đầu thế giới
Chuyến hàng xuất khẩu sang Úc của Đạm Cà Mau (Ảnh: PetroTimes)

Việc đạt chứng chỉ Level One giúp sản phẩm DCM được miễn kiểm tra tại cảng đến, qua đó giảm mạnh thời gian thông quan và chi phí logistics. Urê Cà Mau cũng được xếp vào nhóm đạt chuẩn cao nhất, đủ điều kiện phân phối với mức giá tốt hơn.

Từ hệ thống nhà máy hiện đại đặt tại Cà Mau, sản phẩm của DCM hiện đã có mặt tại gần 20 quốc gia, với sản lượng xuất khẩu năm 2024 đạt hơn 300.000 tấn. Riêng 7 tháng đầu năm 2025, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 10.541 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.417,58 tỷ đồng, tăng 39%.

Năm 2025, doanh nghiệp đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất gần 14.000 tỷ đồng, tương đương năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ đạt khoảng 774 tỷ đồng, giảm mạnh 46% so với năm 2024. Tỷ lệ cổ tức dự kiến duy trì ở mức 10% vốn điều lệ.

Theo Chứng khoán SSI, ngành phân bón Việt Nam được kỳ vọng hưởng lợi kép từ chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) mới và xu hướng giảm giá dầu thế giới.

Cụ thể, SSI Research dự báo giá dầu Brent sẽ giảm còn 65 USD/thùng trong năm 2025 và 60 USD/thùng trong năm 2026, nhờ nguồn cung toàn cầu gia tăng. Giá dầu FO cũng được dự báo giảm xuống còn 430 USD/tấn trong năm 2025 và 400 USD/tấn trong năm 2026. Đợt giảm mạnh nhất ghi nhận trong quý II/2025, sau khi Mỹ công bố chính sách tăng thuế.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón urê như Đạm Phú Mỹ (DPM) và Đạm Cà Mau (DCM), đây là tin tức đặc biệt tích cực. Do chi phí khí đầu vào neo theo giá dầu FO, nên khi giá dầu FO sụt giảm, hai doanh nghiệp trên tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất.

Đạm Cà Mau (DCM) xuất khẩu 30.000 tấn urê sang thị trường phân bón khó tính hàng đầu thế giới
Nguồn: SSI Research

Về giá phân bón, SSI Research duy trì quan điểm lạc quan trong thời gian tới. Giá urê tại châu Âu đã tăng 16% trong 5 tháng đầu năm 2025, trong khi giá khí tự nhiên tăng 38% so với cùng kỳ. Do đó, SSI dự báo giá bán urê sẽ tăng 10% trong năm 2025 và ổn định trong năm 2026. Giá DAP cũng được kỳ vọng tăng 6% trong năm 2025 và giữ vững trong năm 2026.

Một trong những động lực quan trọng thúc đẩy lợi nhuận ngành phân bón là việc áp dụng Luật Thuế GTGT số 48/2024/QH15 từ tháng 7/2025. Theo đó, các sản phẩm phân bón sẽ chuyển từ nhóm “không chịu thuế” sang “chịu thuế 5%”. Thay đổi này giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế đầu vào – bao gồm 10% thuế GTGT với khí tự nhiên và 5% với quặng phốt phát, từ đó giảm chi phí sản xuất, cải thiện biên lợi nhuận và nâng cao khả năng cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật