“Sau khi Trump thắng cử, tôi lại bắt đầu tích trữ gần như mọi thứ, từ thực phẩm đóng hộp, nước đóng chai đến giấy vệ sinh”, Wilson (Tacoma, Washington) nói với CNN. Đến nay, ông ước tính đã chi 300 USD cho việc tích trữ hàng hóa kể từ khi bầu cử. Thời gian tới, ông dự định chi thêm 100 USD mỗi tháng ngoài chi tiêu hàng ngày. Gia đình Wilson có 5 người và 3 thú cưng.
Khi đại dịch bắt đầu, Wilson cũng bị cuốn vào làn sóng tích trữ. Nhưng lần này, mối quan tâm chính của ông không phải là chúng sẽ hết hàng, mà là sẽ tăng giá nếu ông Trump thực hiện những lời đe dọa tăng thuế.
Ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 10-20% với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Riêng hàng Mỹ và Canada là 25% và hàng Trung Quốc là 60-100%.
Nhiều chuyên gia và nhà kinh tế học cho rằng chưa chắc Trump đã áp thuế, mà chỉ coi đó là công cụ đàm phán. Nhưng ngược lại, nếu ông hiện thực hóa điều này, giá cả mà người tiêu dùng phải trả cho các sản phẩm không được sản xuất tại Mỹ sẽ tăng đáng kể.
Wilson hiểu rõ điều này, đặc biệt khi ông còn là một chủ doanh nghiệp nhỏ. Ông và vợ điều hành xưởng vẽ gốm Painting Panda Pottery Studio. Tại đây, khách hàng được tự vẽ lên đồ gốm, bao gồm cả cốc và đĩa. Wilson thường mua các sản phẩm gốm chưa vẽ thông qua các doanh nghiệp Mỹ. Nhưng thực ra, số hàng hóa này đều được nhập từ Trung Quốc và các nước khác.
“Tôi biết rằng nếu bị áp thuế, chúng tôi sẽ phải chuyển việc tăng giá xuống cho khách hàng”, ông nói trên CNN.
Scott Lincicome – Phó chủ tịch kinh tế và thương mại tại Viện nghiên cứu Cato không khuyến khích người tiêu dùng cá nhân tích trữ hàng hóa. “Không ai chắc chắn việc này có thực sự xảy ra hay không và nếu có thì sẽ vào ngày đầu tiên hay không”, ông nói, đề cập đến việc Trump dọa áp thuế với tất cả hàng hóa nhập khẩu ngay ngày đầu tiên nhậm chức là 20/1.
Hơn nữa, giống như trong đại dịch, “việc tích trữ có thể thực sự khiến giá cả tăng cao và các kệ hàng trống rỗng”, Lincicome nói. Thêm vào đó, việc tích trữ sẽ khiến người tiêu dùng có ít tiền hơn để chi tiêu ở các lĩnh vực khác.
Gaylon Alcaraz (Chicago) cũng hiểu rằng cô đang đánh cược khi tích trữ hàng hóa. Cô hiện gánh khoản nợ 200.000 USD từ việc học tiến sĩ và hỗ trợ học phí đại học cho hai con. Tuy nhiên, lo ngại sau này phải trả nhiều tiền hơn để mua hàng do thuế nhập khẩu đã khiến cô và mẹ mình tích trữ hàng hóa sau bầu cử.
“Thỉnh thoảng, tôi cũng cảm thấy không hợp lý lắm. Nhưng tôi vẫn nhớ khoảng thời gian khó khăn trong đại dịch. Nhiều khi chúng tôi không tìm được hàng, mà có tìm thấy thì giá cũng rất cao”, Alcaraz – Giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận cho biết.
“Kể cả đồ không cần cũng không sao. Chúng tôi vẫn mua. Cứ nhìn thấy có giảm giá, chúng tôi sẽ mua những đồ trước đây khó tìm hoặc giá rất đắt”, cô giải thích. Đó là những món từng thiếu hụt nghiêm trọng trong đại dịch, như giấy vệ sinh, giấy ăn, khăn lau và các đồ tẩy rửa khác.
Không chỉ cá nhân cố gắng đi trước nguy cơ tăng thuế, các công ty lớn cũng vậy. Patrick Hallinan – Giám đốc Tài chính của Stanley Black & Decker – cho biết với các cổ đông tháng trước rằng họ đang lấp đầy các kho hàng nhanh hơn “vì nhiều lý do, như thuế nhập khẩu”. Mục tiêu là hạn chế tăng giá hàng hóa nếu thuế tăng như họ dự đoán.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc được nâng lên, họ đã không chủ động được việc định giá. “Bài học từ đó là chúng tôi sẽ phải chủ động trong việc này”, ông nói.
Công ty tư vấn chuỗi cung ứng GEP và S&P Market Intelligence vừa công bố báo cáo hàng tháng khảo sát 27.000 doanh nghiệp trên toàn thế giới. Theo đó, hoạt động mua sắm quốc tế của các nhà sản xuất Bắc Mỹ tháng trước đạt mức cao nhất trong hơn một năm qua. Các doanh nghiệp Mỹ cũng đang đẩy nhanh tốc độ giao hàng từ các nước có nguy cơ bị tăng thuế, đồng thời chuyển bớt sản xuất sang nước khác.
Trong trường hợp thuế không tăng, Wilson cho biết số hàng hóa ông đã mua cũng sẽ không bị lãng phí. “Các con tôi ăn rất nhiều. Vì vậy tôi không muốn trả giá gấp đôi hoặc cao hơn 20% so với hiện tại đâu”, ông nói.
Hà Thu (theo CNN, Reuters)