spot_img
28 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánĐất nước có 25% GDP đến từ bán kim cương

Đất nước có 25% GDP đến từ bán kim cương

Với 25% GDP đến từ kinh doanh kim cương, nền kinh tế Botswana đối diện nguy cơ suy giảm khi giá kim loại quý này lao dốc không phanh.

“Tôi có thể thấy các con đường đang được xây dựng, bệnh viện và những đứa trẻ đến trường”, Tổng thống Botswana Mokgweetsi Masisi nói về viên kim cương 2.492 carat được phát hiện vào tháng 8 tại mỏ Karowe ở miền trung nước này.

Ông giới thiệu nó với truyền thông hôm 22/8, ước tính trị giá hơn 40 triệu USD. Theo chuyên gia, viên đá nửa kg này là viên kim cương lớn thứ hai từng được tìm thấy và là viên kim cương lớn nhất trong một thế kỷ.

Botswana nằm ở miền nam châu Phi, rộng khoảng 581.730 km2 với dân số 2,7 triệu người. Đây là nước sản xuất kim cương lớn thứ hai thế giới sau Nga. Đá quý đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế. Ngành này chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu, một phần ba doanh thu thuế và một phần tư GDP, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

  • Tổng thống Botswana Mokgweetsi Masisi cầm viên kim cương 2.492 cara tại văn phòng của ông ở Gaborone vào ngày 22/8. Ảnh: AFP

Chỉ còn 2 tháng nữa đến cuộc bầu cử tổng thống mà ông Mokgweetsi Masisi sẽ tái tranh cử. Vì thế, ông nỗ lực giới thiệu viên kim cương lớn thứ hai thế giới. Trong văn phòng tổng thống, ông đeo kính thợ kim hoàn, nghiêm túc quan sát viên đá kích thước bằng quả bóng tennis và thốt lên “Ồ!” trước sự chứng kiến của các bộ trưởng và ống kính máy quay được dàn dựng công phu.

Động thái tiếp thị của ông Masisi diễn ra trong bối cảnh thị trường kim cương lao dốc không phanh trên toàn thế giới, đe dọa nền kinh tế Botswana. Giá mặt hàng này đã giảm khoảng 30% kể từ năm 2022, sau khi kim cương nhân tạo xuất hiện. “Kim cương ra đời từ phòng thí nghiệm đã phá vỡ giá thị trường và ngày càng rẻ hơn”, Duncan Money, chuyên gia trong ngành khai khoáng, cho biết.

Kim cương nhân tạo rẻ hơn 10 lần so với kim cương thật từ hoạt động khai khoáng truyền thống. Kim cương tự nhiên đôi khi còn gây e ngại cho người mua vì khó truy xuất nguồn gốc, có lúc được gọi là “kim cương máu” do nghi vấn về điều kiện lao động. Ngày nay, cứ hai chiếc nhẫn đính hôn được bán ở Mỹ thì có một chiếc được gắn kim cương tổng hợp. Trung Quốc đi đầu trong phân khúc này, Bắc Kinh sản xuất hơn 90% đồ trang sức nhân tạo trên thế giới.

Tháng 10/2023, công ty Kim cương Okavango (ODC) thuộc sở hữu nhà nước của Botswana, đã dừng bán kim cương thô như một phần trong giải pháp để kéo giảm tình trạng tồn kho. Cuộc khủng hoảng lớn đến mức công ty khai thác khoáng sản hàng đầu thế giới Anglo American (Anh) muốn bán 85% cổ phần của mình trong De Beers – nhà sản xuất kim cương số một thế giới.

15% còn lại thuộc sở hữu của Debswana, một liên doanh giữa công ty và nhà nước Botswana. Quốc gia nằm ở miền nam châu Phi này rất quan trọng đối với De Beers vì 70% kim cương của họ được sản xuất tại đây. “De Beers và chính phủ Botswana phụ thuộc lẫn nhau”, Money nói.

Doanh số bán kim cương của Debswana giảm 49,2% trong nửa đầu năm, từ 2,54 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,29 tỷ USD, theo Ngân hàng Botswana. Anglo American đã cắt giảm sản lượng kim cương 19% trong nửa đầu năm. Cuối tháng 7, họ điều chỉnh mục tiêu sản lượng tại De Beers còn 23-26 triệu carat từ 26-29 triệu để ứng phó suy thoái thị trường kim cương.

Thị trường tiêu cực nên Botswana phải tìm cách tăng thu. Năm 2023, Tổng thống Masisi đã buộc De Beers phải đàm phán lại thỏa thuận bán hàng. Vào 2011, công ty nhận 90% sản lượng kim cương thô nhưng giờ họ phải trả 25% cho chính phủ Botswana và sắp tới là 50%.

Cùng với đó, tháng trước Botswana nêu ý định đàm phán lại đề xuất mua cổ phần của công ty kinh doanh đá quý HB Antwerp (Bỉ) để tăng gấp đôi sở hữu mà không tốn thêm tiền. Bộ trưởng Bộ khai khoáng Lefoko Moagi nói thị trường kim cương yếu hơn ảnh hưởng đến định giá HB Antwerp.

“Chúng ta sẽ không bơm thêm vốn nhưng nhận được nhiều cổ phần hơn với cùng số tiền đề xuất vào năm 2023. Thay vì 24%, chúng ta sẽ đàm phán để nhận được 49,9% “, ông nói. Họ dự chi 65,95 triệu USD cho thương vụ.

Được xếp vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình khá – cùng với Brazil, Nam Phi và Trung Quốc – nhưng Botswana có thể gặp phải tình trạng bất ổn kinh tế nghiêm trọng. Emmanuel Kwapong, chuyên gia kinh tế tại Standard Chartered dự báo tăng trưởng nước này sẽ chậm lại còn 1,1% vào năm 2024, từ mức 2,7% hồi 2023, chủ yếu do triển vọng xấu đi của ngành kim cương.

PriceScope – nền tảng dữ liệu theo dõi hơn một triệu viên kim cương trên toàn cầu – cho hay giá kim cương các loại tiếp tục giảm trong 3 tháng liên tiếp gần đây. Đến tháng 9, giá trung bình cho mỗi carat của một viên kim cương tròn 1-1,19 carat màu G độ trong VS1 là 5.699 USD so với mức 5.999 USD vào tháng trước. Trung bình cho mỗi carat của kim cương tròn đã giảm 5%.

Theo ông Money, trữ lượng kim loại quý khác, cùng với đồng, niken và mangan của nước này không đủ để bù đắp cho khoản hụt thu từ kim cương. Emmanuel Kwapong cho rằng giải pháp là đa dạng hóa nền kinh tế, Theo đó, chính phủ Botswana cần các cải cách để cải thiện khả năng cạnh tranh của nước này trong các lĩnh vực không liên quan đến kim cương.

Để chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu kim cương, Botswana đã thành lập Quỹ Pula (đặt tên theo đơn vị tiền tệ quốc gia) vào năm 1993 để mang tiền lời bán kim cương đi đầu tư. Hiện quỹ này quản lý một danh mục tài sản trị giá 4,1 tỷ USD.

Trong lúc này, Bộ trưởng Tài chính Peggy Serame vẫn kỳ vọng nhu cầu kim cương của thế giới sẽ bắt đầu phục hồi trong quý IV tới.

Phiên An (theo Le Monde, Reuters)

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật