Về cơ bản, Coca-Cola có lợi thế thương hiệu, là công ty cung cấp nước ngọt trên khắp thế giới thông qua thương hiệu cùng tên, cùng với những sản phẩm khác như Sprite và Fanta. Trong khi nước ngọt chiếm phần lớn khối lượng bán hàng của Công ty, 69% trong năm ngoái, Coca-Cola cũng bán cả nước đóng chai, nước hoa quả, và các đồ uống có nguồn gốc thực vật để phù hợp với xu hướng người tiêu dùng đang chuyển sang một chế độ ăn uống lành mạnh hơn.
Thương hiệu của Coca-Cola có sức mạnh vượt trội và khó lòng thương hiệu nào khác có thể theo kịp. Đối với người dân tại Mỹ, đây là một trong những thương hiệu lâu đời và bền bỉ nhất. Coca-Cola đã ăn sâu vào văn hóa Mỹ đến mức tại miền Nam nước này “Coke” còn là danh từ để chỉ mọi loại nước giải khát nói chung. Những chuẩn mực văn hóa này không thể hình thành sau một đêm, mà cần trải qua nhiều thế hệ để thấm nhuần.
Được thành lập vào cuối những năm 1800, Coca-Cola bán sản phẩm của họ tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều đó cũng có nghĩa giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng của Công ty cũng đã lùi về quá khứ. Dù vậy, hãng đồ uống này vẫn tiếp tục gia tăng doanh thu và cả lợi nhuận. Quý I/2024, doanh thu của Tập đoàn sau điều chỉnh, được loại bỏ ảnh hưởng của chuyển đổi ngoại tệ, sáp nhập và thoái vốn, đã tăng 11%, thúc đẩy thu nhập kinh doanh tăng thêm 13%. Lý do cho sự tăng trưởng doanh thu là bởi giá bán sản phẩm đã được tăng lên, nhưng cũng không ảnh hưởng tới hoạt động chiếm lĩnh thị phần của công ty, cho thấy sức mạnh cùng độ hấp dẫn của thương hiệu đồ uống này.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của hãng phản ứng tích cực với kết quả kinh doanh, nhưng được giới phân tích cho rằng, vẫn đang ở mức hấp dẫn. Tỷ lệ Giá/Thu nhập (P/E) của Coca-Cola ở mức 25,28 là thấp hơn đáng kể so với mức bình quân 57,1 của toàn ngành, và thấp hơn kết quả 25,77 của Pepsi.
Giới phân tích phố Wall đánh giá, Coca-Cola là lựa chọn hấp dẫn với các nhà đầu tư đang kiếm tìm các cổ phiếu cổ tức. Khả năng sinh lời của công ty đã giúp tạo ra dòng tiền tự do hết sức mạnh mẽ, lên tới 9,7 tỷ USD vào năm ngoái và phần lớn đã được sử dụng để thanh toán cổ tức cho cổ đông.
Hội đồng quản trị tập đoàn này đã thông báo tăng cổ tức quý lên hơn 5% vào đầu năm nay. Với thành tích gia tăng cổ tức trong 62 năm liên tiếp, KO giờ là một phần trong nhóm “Vua cổ tức (Dividend King)”. Lợi suất cổ tức của cổ phiếu Coca-Cola hiện là 3,1%, gấp đôi mức lợi suất 1,3% mà chỉ số S&P 500 đem lại.
Cổ phiếu của Coca-Cola là một cái tên trong danh mục đầu tư dài hạn của Buffett, và cũng là một trong những khoản đầu tư thành công nhất của tỷ phú huyền thoại này. Vào năm 1988, Berkshire Hathaway đã đầu tư 1 tỷ USD vào Coke, và giờ đây, tổng giá trị cổ phần KO mà tập đoàn của tỷ phú Buffett đã lên tới 25,3 tỷ USD. Như Buffett đã nói trong bản báo cáo hàng năm mới đây nhất: “Liệu tôi có thể tạo ra một hoạt động kinh doanh quốc tế tốt hơn (Coke)? Và Bertie (em gái của ông Buffett) sẽ nói với bạn: ‘Không thể đâu’.”
Đó là lý do mà Nhà Tiên tri xứ Omaha đã không bán, dù chỉ một, trong số 400 triệu cổ phiếu KO của ông ấy trong hơn một thập kỷ. Và cân nhắc tới việc, công ty của ông đã nhận tới 776 triệu USD cổ tức từ Coca-Cola chỉ trong năm vừa rồi, thì việc bán ra lại càng không khả thi.
Nhìn chung, theo giới phân tích phố Wall, Coca-Cola không phải là cổ phiếu có mức tăng trưởng cao như nhóm cổ phiếu công nghệ, nhưng bù lại, KO lại là cổ phiếu tốt để mua và nắm giữ trong dài hạn.