spot_img
26 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánĐề nghị Boeing nghiên cứu đầu tư nhà máy linh kiện ở...

Đề nghị Boeing nghiên cứu đầu tư nhà máy linh kiện ở Việt Nam

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Boeing sớm nghiên cứu, triển khai đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện, trung tâm bảo dưỡng tại Việt Nam.

Ngày 22/9, tại New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp ông Brendan Nelson, Chủ tịch Boeing Global kiêm phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing.

  • Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Chủ tịch Boeing Global kiêm phó chủ tịch cấp cao tập đoàn Boeing Brendan Nelson ngày 22/9. Ảnh: Lâm Khánh

Trong buổi trao đổi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị tập đoàn Boeing sớm nghiên cứu, triển khai đầu tư các nhà máy sản xuất linh kiện, xây dựng Trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô khu vực gắn với các Cảng Hàng không lớn của Việt Nam. Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, phù hợp với quy định để các nhà đầu tư Mỹ, trong đó có Boeing, đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Ông cũng ghi nhận những cam kết của Boeing trong hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ sinh thái công nghiệp hàng không và vũ trụ trong thời gian tới. Trong đó, Việt Nam khuyến khích Boeing tăng cường hợp tác, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác R&D, chuyển giao công nghệ, đưa các đối tác Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của tập đoàn này.

Việt Nam đang đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng hàng không, trong đó nổi bật là dự án cảng hàng không Long Thành tại tỉnh Đồng Nai với quy mô 5.000 ha và dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất tại TP HCM.

Sân bay Long Thành được quy hoạch đạt cấp 4F, hướng tới là một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực. Tổng mức đầu tư khái toán khoảng 16,06 tỷ USD. Sân bay Tân Sơn Nhất đang được mở rộng với dự án bổ sung nhà ga T3, tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV).

  • Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Chủ tịch Boeing Global kiêm phó chủ tịch cấp cao tập đoàn Boeing Brendan Nelson ngày 22/9. Ảnh: Lâm Khánh
  • Máy bay 787 Dreamliner đang được lắp ráp tại nhà máy của Boeing ở Bắc Charleston, bang Nam Carolina, Mỹ hồi tháng 5/2023. Ảnh: AFP

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đề nghị Boeing tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để chuyển giao các đơn đặt hàng mua máy bay đã ký kết thời gian qua.

Ông Brendan Nelson khẳng định Boeing đã có nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo Hãng hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) để có những hỗ trợ về tài chính, tìm hướng giải quyết các khó khăn. Hai bên quyết tâm trong năm 2028 hoàn thành hợp đồng đã ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam vào năm ngoái.

Ông Nelson đánh giá cao tầm nhìn của lãnh đạo Việt Nam về vị trí quan trọng của kinh tế hàng không trong phát triển kinh tế xã hội. Ông tin rằng nỗ lực phát triển ngành hàng không sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho đất nước và người dân Việt Nam.

Lãnh đạo Boeing cam kết tập đoàn trong thời gian tới sẽ hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam, trong đó chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không, đào tạo nhân lực, xây dựng sân bay, cơ sở sửa chữa, bảo trì máy bay.

Boeing là tập đoàn hàng không lớn nhất thế giới và hiện là nhà sản xuất hàng đầu về các máy bay phản lực thương mại, các hệ thống phòng thủ, không gian vũ trụ và an ninh. Đến nay, Boeing có hơn 140.000 nhân viên hoạt động tại 65 quốc gia trên thế giới và năm 2020 đạt doanh thu hơn 94,5 tỷ USD.

Thanh Danh

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật