20% là mức khá cao
Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề xuất, cá nhân chuyển nhượng chứng khoán sẽ chịu mức thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế, thay cho mức 0,1% hiện hành. Thu nhập tính thuế được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan, trong kỳ tính thuế theo năm.
Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng chứng khoán, thuế thu nhập cá nhân được tính bằng 0,1% giá bán đối với từng lần chuyển nhượng – tương tự quy định hiện hành.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Nguyên Khoa – Phó Giám đốc Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán BSC – nhận định, đề xuất áp thuế 20% trên phần lãi chuyển nhượng chứng khoán là khá cao so với mặt bằng chung, và mức thuế hiện hành 0,1% trên giá trị giao dịch. Theo ông, mức thuế mới nếu áp dụng đại trà, không phân biệt thời gian nắm giữ… sẽ gây ảnh hưởng khá lớn đến thị trường.

“Không phải ai đầu tư cũng lãi. Năm nay lãi, năm sau lỗ thì sao? Nếu thu thuế 20% phần lãi ngay mà không cho bù trừ khi lỗ thì rõ ràng là không công bằng. Chẳng hạn tại Mỹ, trong một số trường hợp, nhà đầu tư được chuyển lỗ sang năm sau để giảm thuế”, ông Khoa nói.
Bên cạnh đó, ông Khoa cũng lưu ý dự thảo chưa làm rõ các khoản chi phí được khấu trừ, những yếu tố thực tế có ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận đầu tư.
“Ví dụ, nhà đầu tư mất chi phí đi lại, tới đại hội cổ đông để nắm bắt tình hình doanh nghiệp, hay mua công cụ phân tích dữ liệu, theo dõi thị trường… Những chi phí này rất khó xác định, Nếu không có hướng dẫn cụ thể, khả năng cao nhà đầu tư sẽ phải chịu thuế trên phần lợi nhuận danh nghĩa, trong khi chi phí thực tế không được tính đến”, ông Khoa lo ngại.
Ông Khoa cho rằng, nếu áp dụng thuế thu nhập quá cao, thiếu linh hoạt sẽ khiến nhà đầu tư thay đổi hành vi, hạn chế giao dịch ngắn hạn và buộc phải giữ cổ phiếu dài hơn, chuyển sang các kênh khác như quỹ đầu tư.
“Cần có cơ chế thuế theo hướng linh hoạt hơn, có thể áp dụng mức thuế khác nhau tùy theo thời gian nắm giữ, hoặc cho phép bù trừ lỗ – lãi giữa các năm tài chính” ông Khoa đề xuất,và cho rằng, chính sách thuế cần được thiết kế để vừa thu đúng, thu đủ, vừa hỗ trợ phát triển thị trường vốn, giảm bớt áp lực cho kênh tín dụng.
Nên điều chỉnh thuế theo thời gian nắm giữ cổ phiếu
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – cho biết, ở nhiều quốc gia, hầu hết các loại thu nhập từ vốn đều phải nộp thuế. Dự thảo của Bộ Tài chính phù hợp với thông lệ quốc tế và khả năng cao sẽ được thông qua.
Tuy nhiên, ông Minh lưu ý, một số nước miễn, hoặc giảm thuế cho các khoản đầu tư dài hạn nhằm khuyến khích đầu tư dài hạn vào thị trường chứng khoán. Mức 20% như đề xuất mới là khá cao, chưa thật sự phù hợp với bối cảnh hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Minh cũng khuyến nghị điều chỉnh thuế suất theo thời gian nắm giữ cổ phiếu, tương tự như dự thảo với chuyển nhượng bất động sản.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) kiến nghị mức 3%, chỉ tính thuế thu nhập cá nhân khi nhà đầu tư bán chứng khoán có lãi. Theo VAFI, mức 3% là phù hợp. nhằm tạo động lực phát triển thị trường chứng khoán, thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo điều kiện cho hệ thống các doanh nghiệp niêm yết dễ dàng huy động nguồn vốn khổng lồ từ khu vực dân cư và nước ngoài.
Về phía Bộ Tài chính, cơ quan soạn thảo cho rằng, việc sửa cách tính thuế với chuyển nhượng chứng khoán xuất phát từ thực tiễn thực hiện thời gian qua, xu hướng và kinh nghiệm của các nước thời gian gần đây. Có quốc gia thu theo tỷ lệ phần trăm trên giá chuyển nhượng, có nơi thu theo thu nhập, hoặc áp dụng chính sách thuế khác giữa chứng khoán niêm yết và chưa niêm yết.
Indonesia áp dụng mức thuế khấu trừ tại nguồn 0,1% trên doanh thu từ chuyển nhượng cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán. Philippines thu thuế 0,6% trên giá trị giao dịch. Nhật Bản áp tỷ lệ cố định 20,3% với thu nhập từ việc bán một số chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu chứng quyền.
Trung Quốc áp thuế 20% trên thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán không niêm yết, xác định bằng doanh thu trừ đi chi phí liên quan. Tại Thái Lan, các loại thu nhập từ vốn đều phải chịu thuế như thu nhập thông thường, trừ một số loại như vốn thu được từ việc bán cổ phiếu của một công ty được niêm yết, thu nhập từ bán trái phiếu, tín phiếu…
>> Đánh thuế 20% lãi chứng khoán: Nhà đầu tư Việt có đang chịu thiệt so với khu vực?