Từng lãi trên 5.000 tỷ đồng/năm
Tập đoàn Trường Hải (THACO) vừa đề xuất được tham gia đầu tư xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong 7 năm, với tổng vốn đầu tư hơn 61 tỷ USD, trong đó 80% tổng vốn đầu tư tương đương gần 50 tỷ USD doanh nghiệp này vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, được Chính phủ bảo lãnh và hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong thời gian 30 năm, tài sản đảm bảo là toàn bộ công trình dự án. 20% tổng vốn đầu tư của dự án – tương đương khoảng 12,3 tỷ USD là vốn góp của THACO (gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động hợp pháp khác), thông qua phát hành cổ phần tăng vốn cho THACO và các tập đoàn thành viên, nhưng vẫn đảm bảo ông Trần Bá Dương và gia đình nắm cổ phần chi phối của THACO.

THACO đề xuất được tham gia đầu tư xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng vốn đầu tư hơn 61 tỷ USD.
THACO được thành lập vào ngày 29/4/1997, tại Đồng Nai. Người sáng lập là ông Trần Bá Dương, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Gần 30 năm qua, từ một công ty chuyên nhập khẩu xe cũ, cung cấp vật tư phụ tùng sửa chữa ô tô, THACO trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành gồm 6 công ty thành viên phụ trách các hoạt động riêng biệt. Cụ thể, Thaco Auto (ô tô), Thaco Industries (cơ khí – công nghiệp phụ trợ), Thaco Agri (nông nghiệp), Thadico – Đại Quang Minh (đầu tư – xây dựng), Thilogi (logistics), Thiso (thương mại – dịch vụ). Trong đó, Thaco Auto là doanh nghiệp chủ lực suốt hơn 2 thập kỷ qua, đóng góp phần lớn vào doanh thu cũng như lợi nhuận của THACO.
Nửa đầu năm 2024, THACO lãi sau thuế 1.011 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Cũng từ năm 2023, lợi nhuận của THACO giảm mạnh khi thị trường ô tô kinh doanh khó khăn, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Hai năm trước đó, tập đoàn này đều lãi trên 5.000 tỷ đồng/năm.
Tổng tài sản của THACO ghi nhận ngày 30/6/2024 ở mức gần 187.200 tỷ đồng, tăng hơn 22.000 tỷ đồng so với năm 2023. Vốn chủ của THACO đạt 54.260 tỷ đồng, tăng hơn 4.160 tỷ so với thời điểm ngày 30/6/2023. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/VCSH (ROE) ở mức 1,9%, giảm so với mức 2,1% cùng kỳ. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đến cuối quý II/2024 là 2,45 lần, tương ứng doanh nghiệp đang gánh khoản nợ gần 133.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo tình hình thanh toán trái phiếu nửa đầu 2024 của THACO, công ty còn lưu hành 4 lô trái phiếu với tổng mệnh giá phát hành 15.080 tỷ đồng. Sau đó, công ty đã mua lại trước hạn 700 tỷ đồng của lô trái phiếu mã TCOCH2126001 và 200 tỷ đồng của lô trái phiếu mã THACO_BOND_2019_01. Vậy nên giá trị trái phiếu hiện còn lưu hành của Thaco là 13.580 tỷ đồng.
Là Chủ tịch THACO, ông Trần Bá Dương và gia đình nắm cổ phần chi phối tại tập đoàn này. Năm 2018, ông Trần Bá Dương và gia đình được Forbes xác định tỷ phú USD của Việt Nam với khối tài sản trên 1 tỷ USD, phần lớn khối tài sản này đến từ cổ phần sở hữu tại THACO. Forbes ghi nhận tài sản của ông Dương ở mức 1,2 tỷ USD hồi đầu tháng 2/2024.

Tổng tài sản của THACO ghi nhận ngày 30/6/2024 ở mức gần 187.200 tỷ đồng. Ảnh: Thaco.
Tuy nhiên, hiện tài sản của Trần Bá Dương và gia đình đã xuống dưới 1 tỷ USD và rời danh sách tỷ phú Forbes. Điều này diễn ra trong bối cảnh THACO trong vài năm gần đây ghi nhận lợi nhuận giảm và đang mở rộng đầu tư ra nhiều lĩnh vực ngoài sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô, trong đó có nông nghiệp…
Nhiều thương vụ
Từng được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có cơ hội thực hiện thương vụ IPO tỷ USD nhưng đến nay THACO vẫn chưa chốt thời điểm lên sàn. Cụ thể, THACO từng ấp ủ kế hoạch niêm yết trên sàn HoSE từ những năm 2010 rồi sau đó kế hoạch này đã bị hoãn lại.
Đến năm 2017, thông tin niêm yết một lần nữa được xới lại khiến cổ phiếu THACO có thời điểm giao dịch trên thị trường OTC với giá 150.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, kế hoạch này một lần nữa bị hủy bỏ.
Đến tháng 5/2021, THACO công bố việc hủy tư cách công ty đại chúng, đồng nghĩa với việc tập đoàn không còn đủ điều kiện niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Không chỉ chậm IPO, một số dự án của THACO cũng đang chậm tiến độ. Chẳng hạn, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thaco – Thái Bình của Công ty TNHH Đầu tư Khu công nghiệp chuyên nông nghiệp Thaco – Thái Bình được xác định đầu tư từ tháng 11/2020 đến hết tháng 11/2024 sẽ hoàn thành.

Thaco Auto là doanh nghiệp chủ lực suốt hơn 2 thập kỷ qua, đóng góp phần lớn vào doanh thu cũng như lợi nhuận của THACO. Ảnh: Thaco.
Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn rất chậm tiến độ so với yêu cầu, cam kết ban đầu. Nguyên nhân chậm tiến độ được chỉ ra, gồm sự thiếu quyết liệt từ nhà đầu tư, tác động của suy thoái kinh tế, và một số vướng mắc trong giải phóng mặt bằng…
Tương tự, đã 11 năm từ khi khởi công, 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TPHCM) vẫn chưa xong. Cụ thể, 4 tuyến đường gồm đường Trần Bạch Đằng, Tố Hữu, Nguyễn Thiện Thành và Bùi Thiện Ngộ, ký hiệu R1, R2, R3, R4) dài khoảng 12 km, tổng mức đầu tư 8.256 tỷ đồng.
Tháng 2/2014, công trình được khởi công, do Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (thuộc THACO ) làm chủ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Dự kiến toàn bộ công trình hoàn thành sau 36 tháng, nhưng đến tháng 2/2018 thì ngừng thi công. Đến nay, công trình chỉ đạt 88% do gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, nông nghiệp là một trong 6 mảng kinh doanh của THACO. Trước đây, HAGL Agrico là công ty của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG). Sau thời gian chồng chéo mối quan hệ, đến tháng 8/2022, HAGL Agrico do ông Trần Bá Dương làm chủ tịch và HAG do bầu Đức làm chủ tịch đã cam kết tách bạch tài sản cầm cố và nghĩa vụ trả nợ BIDV.
Tại đại hội cổ đông 2025, trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Trần Bá Dương nói rằng, HAGL Agrico đang là xác chết, chết lâm sàng, phía THACO đang cố gắng cứu. Ông Dương cũng cho biết THACO đang cho HAGL Agrico nợ 12.000 tỷ đồng, do đó không thể để bên vay nợ “chết” vì “chết thì lấy đâu mà đòi, còn gì ăn trong đây, ăn HAGL Agrico là ăn chính mình”.
Ngoài chi phí chuyển đổi vườn cây thì chi phí tài chính cũng là gánh nặng của HAGL Agrico. Công ty có nợ phải trả vào khoảng 15.000 tỷ đồng, trong đó nợ ngân hàng 1.200 tỷ đồng và THACO phải gánh 12.000 tỷ đồng.
Chưa rõ cơ sở
Ngày 28/5, trao đổi với PV Tiền Phong , chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, việc các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam là điều đáng hoan nghênh, theo đúng tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, đây là một dự án hạ tầng cực kỳ phức tạp, khả năng cao lỗ hàng chục năm đầu, đòi hỏi sự kiên định và nền tảng tài chính cực mạnh, đồng thời phải có khả năng điều phối kỹ thuật – công nghệ – vận hành ở tầm quốc gia.

THACO đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trong 7 năm. Ảnh: Thaco.
Đề cập tới phương án vốn đầu tư mà THACO đề xuất, trong đó hơn 12 tỷ USD vốn góp huy động thông qua phát hành cổ phần tăng vốn cho THACO và các công ty thành viên. Tuy nhiên, căn cứ nào để THACO – với vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 2 tỷ USD cho rằng có thể huy động được khoản gấp 6 lần vốn, lên tới hơn 12 tỷ USD từ thị trường trong nước? Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khẳng định, phương án đó rất khó khả thi.
Chưa kể, việc phát hành cổ phần theo Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán cũng mất tối thiểu 6-12 tháng. Nếu THACO đang nói về mục tiêu khởi công tuyến vào năm 2026 thì rất khó kịp thời gian để làm các thủ tục pháp lý. Vị chuyên gia cũng bày tỏ sự băn khoăn khi hệ sinh thái của THACO có một số dự án bị chậm tiến độ hoặc chưa rõ hiệu quả.
Với 80% vốn còn lại, THACO đề xuất vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước – tương đương hơn 49 tỷ USD, Chính phủ bảo lãnh và hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong thời gian 30 năm và tài sản đảm bảo là toàn bộ công trình dự án. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, nếu Nhà nước bảo lãnh vốn vay và trả lãi cho doanh nghiệp thì chẳng khác gì Chính phủ trực tiếp đi vay và trả lãi. Rủi ro nếu có thì Chính phủ vẫn phải chịu trách nhiệm.
“Quan trọng hơn là tính khả thi của việc đi huy động vốn trên thị trường . Doanh nghiệp khó có đủ năng lực để đi vay được 49 tỷ USD dù được Nhà nước cấp bảo lãnh. Việc huy động 49 tỷ USD vốn tín dụng có thể làm thị trường tài chính mất cân đối nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Ánh nói và đặt câu hỏi: Liệu có bao nhiêu doanh nghiệp trong nước sẵn sàng lao vào một dự án biết trước là lỗ?