spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánDIC Corp (DIG): Áp lực dòng tiền và bút toán lãi vay?

DIC Corp (DIG): Áp lực dòng tiền và bút toán lãi vay?

Mặc dù doanh thu tăng 77%, DIC Corp (DIG) ghi nhận lợi nhuận giảm sâu và chi phí lãi vay thấp bất thường, làm dấy lên nghi ngờ về bút toán vốn hóa lãi vay và tính hiệu quả trong quản lý dòng tiền của công ty.
DIC Corp (DIG): Áp lực dòng tiền và bút toán lãi vay?
Tổng Giám đốc DIC Corp tự tin hoàn thành kế hoạch lợi nhuận nghìn tỷ năm 2024

Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 của CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp – HoSE: DIG) ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, giảm tới 95% so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Lợi nhuận giảm trong bối cảnh doanh thu thuần của công ty cải thiện tới 77% YoY, đạt 635 tỷ đồng, khiến biên lãi ròng của DIC Corp “mỏng như lá lúa,” chỉ 0,6%, trong khi bán niên 2023 đạt gần 24%. Diễn biến trái ngược trên khiến cổ đông đặt nghi vấn về tính hiệu quả trong việc kinh doanh và sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Còn nhớ, tại ĐHCĐ thường niên 2024 hồi cuối tháng 4, ban lãnh đạo DIC Corp đã trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.300 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.010 tỷ. Như vậy, sau nửa năm, doanh nghiệp vẫn dậm chân ở “vạch xuất phát.”

Đi vay nghìn tỷ để gửi tiết kiệm?

Sở hữu khối tài sản gần 18.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.600 tỷ so với đầu năm, DIC Corp là một doanh nghiệp bất động sản lớn. Trong cơ cấu tài sản, công ty phân bổ gần 2.900 tỷ đồng vào danh mục tiền/tương đương tiền và tiền gửi kỳ hạn ngắn. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là gần 13.600 tỷ đồng trong danh mục các khoản phải thu và hàng tồn kho.

So với đầu năm, giá trị các khoản phải thu của DIC Corp gần như không đổi. Trong khi đó, giá trị hàng tồn kho đã tăng 1.000 tỷ đồng lên mức 7.655 tỷ đồng. Phần gia tăng được ghi nhận chủ yếu tại dự án Nam Vĩnh Yên và Đại Phước.

DIC Corp (DIG): Áp lực dòng tiền và bút toán lãi vay?
Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2024 của DIC Corp

Trên bảng cân đối kế toán, DIC Corp đang vay nợ hơn 4.300 tỷ đồng, trong tổng số gần 10.600 tỷ đồng nợ phải trả. Theo thuyết minh, số nợ vay đã tăng mạnh nghìn tỷ trong nửa đầu năm.

Cụ thể, doanh nghiệp được điều hành bởi cựu Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn đi vay mới 1.843 tỷ đồng và song song trả nợ gốc vay 643 tỷ đồng. Việc đi vay tiền khiến dòng tiền thuần kinh doanh của công ty chuyển dương mạnh mẽ, mức 1.202 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2023 âm 1.144 tỷ. Phần dôi dư từ số tiền đi vay được công ty đem đi gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn, khiến giá trị khoản “đầu tư tài chính ngắn hạn” tăng gấp 7 lần đầu năm, đạt gần 1.400 tỷ đồng. Số tiền gửi lớn giúp nhà đầu tư phần nào yên tâm hơn về sức khỏe tài chính của DIC Corp.

Đáng nói, vay nợ lớn song chi phí lãi vay được ghi nhận vào kết quả kinh doanh nửa đầu năm chỉ ở mức 23,8 tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức 65,3 tỷ YoY. Con số này chỉ tương đương việc DIC Corp được các chủ nợ cấp khoản tín dụng ưu đãi với lãi suất siêu rẻ, chỉ 0,55%.

Có thủ thuật bút toán kinh doanh?

“Vốn hóa chi phí lãi vay” là một khái niệm quen thuộc với nhiều doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là trong những năm gần đây khi các công ty địa ốc chịu tác động lớn từ sự cố trái phiếu và thị trường trầm lắng. Lợi thế của việc vốn hóa chi phí lãi vay là tăng tài sản trên bảng cân đối kế toán, tạo ấn tượng rằng công ty có nhiều tài sản hơn.

Mặt khác, phương pháp này giảm chi phí tài chính, từ đó cải thiện kết quả kinh doanh, tạo ra bức tranh tài chính tích cực trong ngắn hạn. Từ thủ thuật bút toán, doanh nghiệp có thể duy trì niềm tin của nhà đầu tư khi nhìn vào các chỉ tiêu tài chính.

DIC Corp không thuyết minh chi tiết về việc vốn hóa chi phí lãi vay vào tồn kho bất động sản. Tuy nhiên, việc chi phí lãi vay giảm mạnh trong khi tồn kho tăng cao khiến nhà đầu tư hoài nghi. Giả sử, nếu chi phí tài chính của DIG không giảm về mức 4 tỷ đồng, phải chăng doanh nghiệp đã chuyển lỗ bán niên? Lãi cơ bản trên cổ phiếu cũng sẽ chuyển âm thay vì mức 14 đồng/cp?

DIC Corp (DIG): Áp lực dòng tiền và bút toán lãi vay?
DIC Corp có khoản hoàn nhập chi phí đầu tư tài chính 20 tỷ đồng trong nửa đầu năm (Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2024)

Dòng tiền âm nặng, tham vọng lãi nghìn tỷ để ngỏ

Cuối năm 2023, lưu chuyển tiền thuần của DIC Corp đạt mức dương 2.061 tỷ, cải thiện mạnh so với con số âm 93 tỷ đồng hồi giữa năm. Tuy nhiên, tới tháng 6/2024, dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản này nhanh chóng chuyển âm hơn 700 tỷ. Kết quả kinh doanh lao dốc và sức khỏe tài chính kém sắc trở thành nỗi lo của gần 65.000 cổ đông DIG.

Tại ĐHCĐ 2024, một cổ đông từng bày tỏ nghi ngờ về tham vọng kinh doanh của DIC Corp và đặt câu hỏi: “Chỉ tiêu năm 2023 là doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ, lợi nhuận hợp nhất 1.400 tỷ nhưng thực hiện tỷ lệ rất thấp, cách quá xa mục tiêu. Sau đó, công ty đưa ra mục tiêu năm 2024 tăng hàng trăm % so với thực hiện năm 2023. Nghe thì rất sướng nhưng thực chất đặt chỉ tiêu đi lùi. Năm nay, công ty nhắm làm nổi 50% hay không hay đặt ra rồi để đó?”

Phúc đáp, Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Tín khẳng định chắc chắn về kế hoạch đặt ra, đồng thời thông tin về việc mở bán dự án Đại Phước mang lại 881 tỷ lợi nhuận, Lam Hạ là 129 tỷ đồng, Nam Vĩnh Yên là 87 tỷ đồng, Vị Thanh là 46 tỷ đồng… Sau khi trừ hết thuế phí, DIG có thể để ra 1.000 tỷ đồng lợi nhuận. Ông Tín chắc chắn trong 6 tháng cuối năm pháp lý các dự án sẽ được tháo gỡ để mở bán, giúp công ty hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng.

Hiện tại, nhà đầu tư đang chờ DIC Corp công bố kết quả thực tế kinh doanh trong quý III/2024.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật