spot_img
14 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánDoanh nghiệp của các tỷ phú Việt chạy đua phát hành trái...

Doanh nghiệp của các tỷ phú Việt chạy đua phát hành trái phiếu

Vinhomes, VietJet, HDBank, ACB, Chứng khoán Rồng Việt… sẽ thu về hàng ngàn tỷ đồng sau phát hành phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo.

Công ty CP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) vừa công bố nghị quyết chào bán tối đa 4.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 36 tháng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo.

Hôm 20/11, Vinhomes đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu, mệnh giá mỗi trái phiếu là 100 triệu đồng. Ngày phát hành là 8/11, đáo hạn vào ngày 8/11/2027, tương ứng với kỳ hạn 36 tháng.

Doanh nghiệp của các tỷ phú Việt chạy đua phát hành trái phiếu- Ảnh 1.

Công ty CP Vinhomes chào bán tối đa 4.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 36 tháng.

Vinhomes muốn hút vốn qua trái phiếu sau khi công ty này đã chi khoảng 11.000 tỷ đồng mua gần 247 triệu cổ phiếu VHM. Số cổ phiếu quỹ Vinhomes mua được chiếm 66,7% tổng khối lượng đăng ký.

Mục đích của việc mua lại cổ phiếu quỹ là nhằm bảo vệ lợi ích cho cổ đông, đặc biệt là khi giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực tế của công ty. Sau khi thực hiện việc giảm vốn, tổng khối lượng cổ phiếu VHM còn lại trên thị trường sẽ đạt hơn 4,1 tỷ đơn vị với tổng giá trị theo mệnh giá lên tới hơn 41.000 tỷ đồng.

Công ty CP Hàng không VietJet (mã chứng khoán: VJC) – nơi tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm chủ tịch cũng muốn phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi để huy động 2.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm. Trái phiếu sẽ được phát hành 2 đợt, mỗi đợt 1.000 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác liên quan đến tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank – mã chứng khoán: HDB) chào bán thêm tối đa 10.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ đợt 3, qua đó chạm mốc 30.000 tỷ đồng trong cả 3 đợt. HDB đã thu hơn 20.300 tỷ đồng trong 10 tháng qua.

Doanh nghiệp của các tỷ phú Việt chạy đua phát hành trái phiếu- Ảnh 2.

Công ty CP Hàng không VietJet muốn phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi để huy động 2.000 tỷ đồng.

Ở nhóm ngân hàng còn có Ngân hàng TMCP Á Châu (mã chứng khoán: ACB) lên phương án phát hành riêng lẻ thêm tối đa 15.000 tỷ đồng trái phiếu. Đây là đợt thứ 3 được ACB chấp thuận trong năm nay, nâng tổng số trái phiếu lên 45.000 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (mã chứng khoán: VDS) phát hành thêm 900 tỷ đồng, nâng tổng số tiền nợ trái chủ từ đầu năm nay lên con số 3.000 tỷ đồng.

Thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong tháng 11, có 29 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá hơn 24.000 tỷ đồng.

Lũy kế 11 tháng qua, các doanh nghiệp đã phát hành gần 375.000 tỷ đồng, trong đó có gần 343.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Phần lớn thuộc về nhóm ngân hàng với gần 270.000 tỷ đồng. Nhóm bất động sản chiếm 17% với gần 64.000 tỷ đồng.

Trong tháng 11, các doanh nghiệp đã mua lại 6.204 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng cuối của năm, ước tính sẽ có khoảng 42.053 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 14.502 tỷ đồng, tương đương 34%.

Doanh nghiệp của các tỷ phú Việt chạy đua phát hành trái phiếu- Ảnh 3.

11 tháng qua, nhóm bất động sản chiếm 17% với gần 64.000 tỷ đồng.

Theo VIS Rating, từ đầu năm 2025, Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực với nhiều thay đổi sẽ hạn chế hoạt động đầu tư rủi ro cao và cải thiện hành vi thị trường, mang lại lợi ích cho trái chủ.

Luật cũng có nhiều quy định giúp ngăn chặn rủi ro cho nhà đầu tư , giúp nhà đầu tư có thêm thông tin và dễ dàng xác định được các doanh nghiệp, tập đoàn có độ an toàn cao. Các tổ chức phát hành sẽ phải tuân thủ các tiêu chí chặt chẽ hơn, như tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ, điều kiện về người đại diện trái chủ và xếp hạng tín nhiệm theo quy định…

Theo dữ liệu từ HNX, trong tháng 12 này có 51 trái phiếu đáo hạn. VIS Rating đánh giá có 15 trái phiếu đến kỳ đáo hạn trong thời gian này có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn.

Ghi nhận của Mirae Asset cho thấy, một số trái phiếu sắp đáo hạn có khả năng sẽ gặp rủi ro thanh toán hoặc rơi vào tình trạng chậm trả trong tháng 12 (cần lưu ý) thuộc tổ chức phát hành: Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (6.575 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm (240 tỷ đồng), Công ty CP Đại Phú Hòa (3.560 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu (400 tỷ đồng); Công ty CP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (310 tỷ đồng);

Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường (1.400 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (110 tỷ đồng), Công ty CP Thương mại Dịch Vụ Hoa Lâm An (700 tỷ đồng), Công ty CP Tập đoàn Ngọc Thiên Global (453 tỷ đồng), Công ty CP Tập đoàn Đua Fat (300 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư Hải Phát (300 tỷ đồng), Công ty TNHH New World Capital (100 tỷ đồng), Công ty CP Nông nghiệp sạch Phú Sơn (350 tỷ đồng)…

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật