Bất chấp thị trường chung giằng co kéo dài, nhóm cổ phiếu khoáng sản lại ngược dòng bứt phá. Không nằm ngoài sóng tăng giá, cổ phiếu HGM của CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang cũng “bốc đầu” tăng hết biên độ lên mốc 346.500 đồng/cp – mức giá cao kỷ lục trong lịch sử niêm yết. Khối lượng khớp lệnh mỗi phiên của HGM chỉ vài chục nghìn đơn vị nhưng cũng có phần cải thiện so với thời gian trước.
Đây đã là phiên tăng thứ 9 liên tiếp của cổ phiếu này trong đó có 3 phiên tăng trần. Đà tăng tốc đưa thị giá HGM tăng 73% trong hơn nửa tháng qua và tăng gấp gần 6 lần trong nửa năm qua, vốn hóa thị trường cũng nhanh chóng tăng tốc vượt 4.300 tỷ đồng. Với mức giá trên, HGM giữ vững vị trí top 3 cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán, chỉ xếp sau VNZ và WCS.
![Doanh nghiệp Việt nắm loại khoáng sản được cả thế giới “săn lùng”: Cổ phiếu tăng dựng đứng lên đỉnh lịch sử, chuẩn bị "dốc hầu bao" trả cổ tức 3.000 đồng/cp- Ảnh 1. Doanh nghiệp Việt nắm loại khoáng sản được cả thế giới “săn lùng”: Cổ phiếu tăng dựng đứng lên đỉnh lịch sử, chuẩn bị "dốc hầu bao" trả cổ tức 3.000 đồng/cp- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/12/anh-chup-man-hinh-2025-02-12-luc-181148-1739373242036-1739373242162724753255.png)
Nắm l oại khoáng sản thế giới đang “ săn lùng ”
Không chỉ HGM, các cổ phiếu khoáng sản cũng liên tục “làm mưa làm gió” trên thị trường với kỳ vọng hưởng lợi sau thông tin Trung Quốc thông báo hạn chế xuất khẩu các khoáng sản then chốt trong sản xuất quân sự và công nghệ cao sang Mỹ. Theo đó, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu antimon được cho là thông tin tích cực hỗ trợ đà tăng giá của HGM.
Antimon là khoáng sản quan trọng được Canada, Mỹ, Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh và các quốc gia khác trên toàn cầu “săn đón”. Đây là kim loại mang tính chiến lược được sử dụng trong quân sự như đạn dược, tên lửa cũng như pin lưu trữ axit chì được sử dụng trong ô tô và má phanh nhờ đặc tính chịu nhiệt của nó.
Nguồn tài nguyên quan trọng này cũng được áp dụng rất nhiều trong lĩnh vực công nghệ cao, là thành phần chính trong chất bán dẫn, bảng mạch, công tắc điện, ánh sáng huỳnh quang, kính trong suốt chất lượng cao và pin lithium-ion. Các sản phẩm quen thuộc như điện thoại thông minh, TV độ phân giải cao, thiết bị nhà bếp hiện đại hay thậm chí cả ô tô sử dụng mạch kỹ thuật số đều cần tới Antimon.
Với sự gia tăng nhu cầu trong các ngành công nghiệp quan trọng, các quốc gia phương Tây hiện đang đối mặt với một cuộc cạnh tranh khốc liệt về Antimon. Hiện Trung Quốc chiếm khoảng 50% hoạt động khai thác và 80% sản lượng Antimon toàn cầu. Điều này khiến các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trở nên phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
HGM hiện là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất Antimon thành phẩm ở quy mô công nghiệp. Chính sách hạn chế xuất khẩu Antimon của Trung Quốc được kỳ vọng đem lại lợi thế tăng giá bán cho doanh nghiệp.
Hiện tại, công ty có quyền khai thác mỏ Antimon Mậu Duệ ở tỉnh Hà Giang gồm ba thân quặng và đang khai thác thân quặng II với trữ lượng khoảng 372.000 tấn quặng với hàm lượng Antimon đạt gần 10%. Ngoài ra, với trữ lượng của thân quặng I và III được ước tính xấp xỉ thân quặng II, công ty cho biết sẽ có nguồn quặng dồi dào, đủ sức đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất trong tương lai.
Chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt 30%
Bên cạnh sức nóng từ cơn sốt khoáng sản, cổ phiếu HGM cũng thu hút dòng tiền bởi kết quả kinh doanh khởi sắc và chính sách cổ tức hấp dẫn.
Ngày 20/2 tới đây, doanh nghiệp sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện chi trả tạm ứng cổ tức đợt 2/2024 bằng tiền với tỷ lệ 30%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận 3.000 đồng. Với 12,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự kiến chi 38 tỷ đồng để thanh toán cổ tức. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/2, và cổ tức sẽ được thanh toán vào 20/3.
Kể từ khi lên sàn HNX vào năm 2009, Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang luôn trả cổ tức bằng tiền “đều như vắt tranh”. Trong đó, năm 2012 là năm mà doanh nghiệp chi trả cổ tức cao kỷ lục, ở mức 12.000 đồng/cp. Gần đây, giai đoạn 2021-2023, doanh nghiệp khai thác khoáng sản này đã “dốc hầu bao” trả cổ tức bằng tiền, tỷ lệ từ 40% đến 45%.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 11/2024, HGM đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 với tỷ lệ 20% bằng tiền. Như vậy, tổng tỷ lệ chia cổ tức năm 2024 đạt 50%, vượt xa kế hoạch ban đầu chỉ ở mức 15%.
Doanh nghiệp khoáng sản mạnh tay trả cổ tức sau khi ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lập kỷ lục trong năm 2024. Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu đạt hơn 370 tỷ đồng, lãi trước thuế 233 tỷ đồng, lần lượt tăng 111% và 232% so với năm 2023. Biên lợi nhuận trước thuế đạt 63%, tức doanh nghiệp này cứ thu 3 đồng thì lãi 2 đồng. So với kế hoạch năm 2024, Khoáng sản Hà Giang đã vượt tới 105% và hơn 365% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đề ra.