Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/12, cổ phiếu CSV của CTCP Hóa chất Cơ bản Miền Nam tăng mạnh gần 5,6%, đạt 47.500 đồng/cổ phiếu, vượt đỉnh lịch sử và đánh dấu chuỗi “leo dốc” kéo dài 7 phiên liên tiếp. Đáng chú ý, cổ phiếu này đã tăng hơn 188% kể từ đầu năm 2024, đưa vốn hóa thị trường lên mức 5.033 tỷ đồng.
Cổ phiếu CSV tăng gần gấp 3 lần kể từ đầu năm đến nay |
Theo Chứng khoán Tiên Phong (TPS), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 11 tháng đầu năm 2024 tăng tới 8,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn đáng kể so với mức tăng chỉ 0,9% của cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, nhiều ngành sử dụng xút như chế biến, chế tạo tăng 9,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 13,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,6%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 12,6%; ngành dệt may cũng ghi nhận mức tăng 12,1%. Sự tăng trưởng này đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ xút tại Việt Nam hồi phục tích cực.
Tuy nhiên, thị trường xút Việt Nam hiện nay đang trong trạng thái cung không đủ cầu. Nguồn cung nội địa mới chỉ đáp ứng khoảng 50-55% nhu cầu và phụ thuộc lớn vào nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm khoảng 40% tổng lượng nhập khẩu). Theo TPS, tình trạng cung cầu mất cân bằng này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.
Công suất xút của Việt Nam luôn thiếu hụt so với nhu cầu |
Dù dự án Tổ hợp Hóa chất Đức Giang – Nghi Sơn của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, với công suất 50.000 tấn xút/năm, dự kiến triển khai cuối năm 2024 và đi vào hoạt động từ năm 2026, nguồn cung nội địa cũng chỉ tăng lên 250.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 70% tổng nhu cầu hiện tại. Trong khi đó, với tốc độ phát triển của các ngành công nghiệp, nhu cầu xút trong nước dự báo sẽ tăng khoảng 10% mỗi năm giai đoạn 2025-2030.
Điều này tạo ra cơ hội tăng trưởng lớn cho các doanh nghiệp hóa chất trong nước, đặc biệt là CTCP Hóa chất Cơ bản Miền Nam, doanh nghiệp nội địa đứng đầu ngành hóa chất về sản xuất xút.
Hóa chất Cơ bản Miền Nam sở hữu dây chuyền sản xuất hiện đại, với công suất thiết kế đạt khoảng 40.000 tấn xút/năm. Doanh nghiệp này còn có lợi thế về định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu đầu vào như muối công nghiệp và điện, chiếm 70-80% giá thành sản phẩm.
Sản phẩm xút của công ty đang có lợi thế cạnh tranh rõ rệt nhờ giá điện công nghiệp tại Việt Nam thấp hơn so với các quốc gia xuất khẩu xút lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Trong khi đó, phần lớn xút nhập khẩu vào Việt Nam là xút rắn, có giá thành cao và khó sử dụng hơn so với xút lỏng của Hóa chất Cơ bản Miền Nam.
Giá xút NAOH của Trung Quốc trong 2 năm gần đây (Nguồn: TPS) |
Về vị trí địa lý, công ty cũng có ưu thế khi gần các khách hàng lớn tại các khu công nghiệp vùng Đông Nam Bộ, giúp tiết giảm chi phí vận chuyển. Thêm vào đó, sản phẩm xút nhập khẩu đang chịu thuế từ 5-20%, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa.
Năm 2024, công ty đã tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu thưởng để triển khai dự án nhà máy mới tại Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng. Nhà máy này sẽ giúp tăng đáng kể công suất, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao.
Bên cạnh đó, công ty cũng đẩy mạnh kinh doanh các sản phẩm hóa chất cao cấp, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nhập khẩu. Năm 2023, Hóa chất Cơ bản Miền Nam đã phát triển thành công sản phẩm PAC 31% HB bột, ứng dụng trong xử lý nước thải và sản xuất giấy. Đây là 2 lĩnh vực dự báo có tiềm năng tăng trưởng lớn nhờ sự phát triển của thương mại điện tử (kéo theo nhu cầu giấy bao gói) và làn sóng FDI vào Việt Nam (kéo theo nhu cầu xử lý nước thải công nghiệp).