spot_img
19 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánĐường sắt 67 tỷ USD: Việt Nam quyết tự chủ sản xuất...

Đường sắt 67 tỷ USD: Việt Nam quyết tự chủ sản xuất đầu máy, toa xe, VinFast, Thaco, Thành Công sẵn sàng nhập cuộc

Việc VinFast, Thaco, Thành Công tham gia chế tạo đầu máy, toa xe cho các dự án đường sắt không chỉ mở rộng sản xuất trong nước, thúc đẩy chuỗi cung ứng mà còn tạo động lực cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam phát triển.

Vào tối ngày 29/3/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực đường sắt.

Khẳng định quyết tâm phát triển ngành đường sắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng ta quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng thời điểm là những yếu tố quyết định thành công. Đây cũng là một cơ hội để đất nước ta, dân tộc ta có thêm động lực, cảm hứng để vươn lên, phát triển”.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Xây dựng và Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án đào tạo nhân lực ngành đường sắt, trong đó chú trọng đào tạo tổng công trình sư, kỹ sư chuyên sâu tại cả trong và ngoài nước. Đồng thời, Thủ tướng khuyến khích thành lập các tập đoàn lớn, kể cả tư nhân, tham gia lĩnh vực công nghiệp đường sắt, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, sửa đổi các quy định liên quan.

Đường sắt 67 tỷ USD: Việt Nam quyết tự chủ sản xuất đầu máy, toa xe, VinFast, Thaco, Thành Công sẵn sàng nhập cuộc
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Chỉ cần Nhà nước đặt hàng, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư

Tại cuộc họp thảo luận về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) vào giữa tháng 3/2025, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh rằng để phát triển công nghiệp đường sắt, các doanh nghiệp trong nước cần một thị trường đủ lớn, trong khi Nhà nước phải có cơ chế đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai…

“Do vậy, cần giao nhiệm vụ và đặt hàng các doanh nghiệp đầu đàn do Chính phủ lựa chọn và đảm bảo thị trường đầu ra. Như vậy, các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư”, Thứ trưởng Huy chia sẻ và cho biết thêm, cơ quan chức năng đã làm việc với nhiều doanh nghiệp như Thành Công, Trường Hải, VinFast… về vấn đề này.

Được biết, Thành Công, Trường Hải (Thaco) và VinFast là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô tại Việt Nam, với hệ sinh thái công nghiệp quy mô lớn, bao gồm cả linh kiện, động cơ và lắp ráp xe hoàn chỉnh. Trong đó, Thaco không chỉ sản xuất ô tô mà còn đầu tư mạnh vào lĩnh vực cơ khí, chế tạo, cung ứng linh kiện cho nhiều ngành công nghiệp khác. Tương tự, VinFast không chỉ mở rộng hoạt động sang sản xuất xe buýt điện, xe máy điện mà còn đặt tham vọng phát triển cả hệ thống đường sắt đô thị. Với chiến lược nội địa hóa, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang từng bước nâng cao tỷ lệ linh kiện sản xuất trong nước, từ khung gầm, động cơ đến hệ thống pin xe điện.

Với lợi thế về công nghệ và năng lực sản xuất, các doanh nghiệp này hoàn toàn có thể tham gia vào lĩnh vực chế tạo đầu máy, toa xe phục vụ các dự án đường sắt quy mô lớn trong nước. Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, cùng với các tuyến metro tại Hà Nội và TP. HCM, nhu cầu về đầu máy, toa xe sản xuất nội địa ngày càng trở nên cấp thiết. Đây cũng là cơ hội để ngành công nghiệp ô tô nội địa mở rộng sang lĩnh vực đường sắt, góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có chiều dài khoảng 1.541km, tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD, kết nối ga Ngọc Hồi (Hà Nội) với ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, vận tốc tối đa 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào tháng 12/2026.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật