Theo Báo Đầu tư, vào ngày 15/11/2024, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai có buổi làm việc với CTCP FECON (HoSE: FCN) và Công ty Shanghai Tunnel Engineering Co.STEC về việc hợp tác đầu tư các dự án hạ tầng giao thông ngầm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tại đây, FECON và đối tác đề xuất ý tưởng xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai thay thế cho dự án cầu Cát Lái kết nối giữa Đồng Nai và TP. HCM.
Theo đó, đại diện của FECON cho rằng việc xây hầm vượt sông thay cho xây cầu sẽ hạn chế được các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, giảm tối đa tác động đến người dân đang sinh sống trong khu vực quy hoạch dự án.
Phản hồi đề xuất của doanh nghiệp, ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Nai đề nghị FECON và đơn vị đối tác có nghiên cứu kỹ hơn và có báo cáo phương án cụ thể chi tiết cho lãnh đạo UBND tỉnh. Bên cạnh đó, phía tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị doanh nghiệp chủ động làm việc với UBND TP. HCM để có sự thống nhất về phương án xây hầm vượt sông Đồng Nai.
Phối cảnh xây cầu Cát Lái nối giữa Đồng Nai và TP. HCM. |
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai và TP. HCM vẫn chưa đạt được sự thống nhất về thời gian xây dựng cầu Cát Lái. Trong khi Đồng Nai muốn khởi công dự án trước năm 2025, TP. HCM lại đề xuất lùi thời gian xây dựng đến sau năm 2030.
Theo Sở Giao thông vận tải TP. HCM, đề xuất xây dựng cầu sau năm 2030 nhằm phù hợp với tiến độ hoàn thành các dự án giao thông quan trọng khác như đường Vành đai 3 và đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu (bao gồm cầu Nhơn Trạch nối TP. Thủ Đức). Ngoài ra, thời điểm này cũng đồng bộ với lộ trình di dời và sắp xếp lại các cảng biển tại TP. HCM, giảm thiểu áp lực giao thông trong khu vực.
Về quy mô, Sở Giao thông vận tải TP. HCM đề xuất giảm số làn xe của cầu Cát Lái từ 8 làn xuống còn 6 làn để phù hợp với quy hoạch hiện tại của đường Nguyễn Thị Định. Nếu xây cầu 8 làn xe, đường Nguyễn Thị Định sẽ phải mở rộng từ 60m lên 77m, gây ảnh hưởng lớn đến quỹ đất và các công trình hai bên tuyến đường.
Sông Đồng Nai là dòng sông nội địa dài nhất Việt Nam với chiều dài khoảng 586km. Con sông bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (tỉnh Lâm Đồng), chảy qua các tỉnh thành như Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM trước khi đổ ra biển thông qua hệ thống sông Đồng Nai – Nhà Bè. Sông đóng vai trò quan trọng trong cung cấp nước, thủy lợi, giao thông và thủy điện cho khu vực Đông Nam Bộ.