spot_img
14 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánFiinGroup điểm tên ba nhóm cổ phiếu sẽ được "tái định giá"...

FiinGroup điểm tên ba nhóm cổ phiếu sẽ được "tái định giá" trong năm 2025

Theo FiinGroup, P/E toàn thị trường tiếp tục bị chi phối bởi Ngân hàng, vốn đang giao dịch ở mức 9,4x, kéo mặt bằng định giá chung xuống thấp.

Trong báo cáo mới đây, FiinGroup thống kê định giá P/E toàn thị trường hiện ở mức 12,9x, thấp hơn mức trung bình dài hạn (~15x) và hướng về vùng đáy giai đoạn từ 2015 đến nay. So với đỉnh (~19,5x vào năm 2021), P/E hiện đã giảm đáng kể, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư và sự suy yếu của dòng tiền vào thị trường (đáng chú ý là xu hướng rút ròng của khối ngoại vẫn tiếp diễn).

Tuy nhiên, điều này cũng hàm ý khả năng thị trường có thể trở nên hấp dẫn hơn nếu có yếu tố hỗ trợ từ vĩ mô hoặc sự cải thiện trong tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp hoặc sự kiện liên quan đến thị trường (ví dụ như câu chuyện nâng hạng).

FiinGroup điểm tên ba nhóm cổ phiếu sẽ được "tái định giá" trong năm 2025- Ảnh 1.

Xét theo từng nhóm, P/E toàn thị trường tiếp tục bị chi phối bởi nhóm Ngân hàng, vốn đang giao dịch ở mức 9,4x, kéo mặt bằng định giá chung xuống thấp. Trong khi đó, nhóm Phi tài chính có P/E ở mức 16,9x, nhưng nếu loại bỏ Bất động sản, P/E của nhóm này cao hơn. Điều này cho thấy định giá của một số ngành ngoài Bất động sản vẫn đang duy trì ở mức không thấp.

Với nhóm có định giá cao hơn trung bình 5 năm, FiinGroup cho rằng Hóa chất, Vật liệu xây dựng, Khai khoáng, Điện, Sản xuất Dầu khí, Thép, Vận tải thủy đang có P/E và/hoặc P/B cao hơn trung bình 5 năm, cho thấy thị trường đã phản ánh kỳ vọng tăng trưởng tích cực vào giá cổ phiếu. Với mức định giá hiện tại, rủi ro điều chỉnh sẽ gia tăng nếu lợi nhuận phía trước không tăng trưởng tương ứng.

Với CNTT, diễn biến giá phụ thuộc nhiều vào động thái mua (bán) ròng của khối ngoại (đối với FPT) và câu chuyện về đầu tư công (với các cổ phiếu CNTT khác như CMG, ELC…). Trong khi đó, Nông nghiệp (HNG, HAG) & Thủy sản (VHC, ANV, FMC,…) có cơ hội cải thiện định giá trong năm 2025 nhờ xuất khẩu hồi phục và nền tảng kinh doanh cải thiện.

Với nhóm có định giá thấp hơn trung bình 5 năm, FiinGroup kỳ vọng kế hoạch đẩy mạnh tín dụng của Chính phủ để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP 2025 (8%), Ngân hàng, Bất động sản và Xây dựng có thể bước vào chu kỳ tái định giá.

FiinGroup điểm tên ba nhóm cổ phiếu sẽ được "tái định giá" trong năm 2025- Ảnh 2.

Trong đó, cổ phiếu ngân hàng hiện đang giao dịch với P/B (trượt 12 tháng) ở mức 1.51x, thấp hơn mức trung bình lịch sử 1.8x và vẫn duy trì biên độ dao động ổn định kể từ 2023 đến nay. Với kỳ vọng thị trường Bất động sản tiếp tục hồi phục và chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng tài sản dần cải thiện sẽ là yếu tố hỗ trợ về nền tảng cơ bản.

FiinGroup điểm tên ba nhóm cổ phiếu sẽ được "tái định giá" trong năm 2025- Ảnh 3.

Tương tự với cổ phiếu bất động sản, sau năm 2024 là đáng thất vọng giá của hầu hết các cổ phiếu trong ngành này gần như đi ngang hay thậm chí là giảm, do dòng tiền đầu tư thận trọng bởi triển vọng lợi nhuận của ngành chưa rõ ràng. Với triển vọng kinh doanh được cải thiện, đây là một trong những ngành có tiềm năng về giá trong năm 2025.

Tuy nhiên, rủi ro chính vẫn là tiến độ tháo gỡ pháp lý, nếu quá trình này diễn ra chậm hơn dự kiến, tốc độ triển khai và bàn giao dự án sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, đà tăng của cổ phiếu BĐS dân cư có thể bị hạn chế, đặc biệt trong nửa đầu năm 2025.

Nhóm cổ phiếu xây dựng cũng được dự báo tích cực nhờ kỳ vọng lợi nhuận 2025 của ngành được kỳ vọng có sự bứt phá mạnh mẽ nhờ vào nỗ lực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của chính phủ – được coi là động lực chính cho mục tiêu tăng trưởng GDP cao (8%). Các dự án trọng điểm bao gồm cao tốc Bắc Nam (giai đoạn 2), sân bay quốc tế Long Thành và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Với nhóm có định giá tương đương trung bình 5 năm : Chủ yếu gồm các ngành hưởng lợi từ sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng, bao gồm Thực phẩm, Bán lẻ, Dệt may. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục vẫn còn chậm, trong khi rủi ro từ chiến tranh thương mại và biến động kinh tế toàn cầu là trở ngại lớn, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật