Theo báo cáo mới nhất từ Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) về tình hình trái phiếu doanh nghiệp cho thấy, tổng giá trị phát hành trái phiếu mới trong quý I/2025 chỉ đạt 25.130 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước và thấp nhất trong vòng 5 năm qua, chủ yếu do thiếu các hoạt động phát hành riêng lẻ.
Chỉ có hai đợt phát hành trái phiếu được công bố trong quý I/2025 với giá trị 2.000 tỷ đồng, trong khi lượng phát hành trái phiếu công khai đạt 23.130 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ, cao nhất trong 5 năm qua, nhờ đóng góp của các ngân hàng và công ty chứng khoán.

Nguồn: VIS Rating
Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng lên 1.262 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 41,7%, trong khi trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản nhà ở chiếm 30,3% và ngân hàng chiếm 41,7%.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch trung bình trong quý đạt 5.239 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, 40% khối lượng giao dịch tập trung vào các trái phiếu có kỳ hạn còn lại từ 3 đến 4 năm, chủ yếu từ các tổ chức tài chính.
Về tình hình chậm trả gốc và lãi trong quý I/2025, ghi nhận 3 trường hợp chậm trả lãi mới với giá trị 4.854 tỷ đồng. Dù vậy, tỷ lệ chậm trả toàn thị trường vẫn ổn định ở mức 14,6% vào cuối tháng 3/2025 do chưa có sự biến động lớn. Trong số 22 trái phiếu đáo hạn vào tháng 4/2025, có 7 trái phiếu được đánh giá có hồ sơ tín dụng yếu, trong đó 3 trái phiếu đã rơi vào tình trạng chậm trả lãi.
Về tình hình xử lý các trường hợp chậm trả, trong quý I/2025 có 17 tổ chức phát hành đã thanh toán một phần hoặc toàn bộ dư nợ gốc chậm trả với tổng giá trị đạt 8.081 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp có giá trị thanh toán lớn nhất gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), Công ty Cổ phần Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận và Công ty TNHH Saigon Glory. Nhờ đó, tỷ lệ thu hồi nợ gốc chậm trả tăng 2,7% so với cuối năm 2024 lên mức 28,2%.