Mở cửa phiên giao dịch 7/4, giá vàng thế giới biến động mạnh. Đầu phiên, giá có thời điểm xuống 2.980 USD một ounce – lần đầu tiên mất mốc 3.000 USD kể từ giữa tháng 3. Thị trường sau đó lập tức quay đầu tăng, hiện lên 3.041 USD.
- Giá vàng thế giới sáng nay mất mốc 3.000 USD. Ảnh: Reuters
Tuần trước, thị trường giảm mạnh vài phiên liên tiếp, do nhà đầu tư bán chốt lời sau khi thị trường lập đỉnh tại 3.169 USD hôm 2/4 vì Mỹ áp thuế đối ứng với toàn bộ đối tác thương mại. Một nguyên nhân khác là các tài sản như chứng khoán mất giá, buộc nhà đầu tư bán bớt vàng để nộp thêm tiền vào tài khoản bị “call margin”.
Diễn biến sáng nay cũng khớp với dự báo tuần trước của Kitco News. Theo đó, giới chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục đi xuống trong ngắn hạn, vẫn vì hai lý do kể trên. Tuy nhiên, xu hướng tăng trong trung hạn còn nguyên do các yếu tố bất ổn chưa được giải quyết.
Trên thị trường chứng khoán châu Á vừa mở cửa, đà giảm của các chỉ số lớn vẫn chưa dừng lại. Nỗi lo suy thoái do cuộc chiến thương mại toàn cầu mà Mỹ phát động khiến nhà đầu tư tiếp tục bán tháo tài sản rủi ro.
Chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) hiện giảm 8%. Topix (Nhật Bản) mất 8,6%. Tại Hàn Quốc, Kospi giảm 4,3%.
S&P/ASX 200 của Australia mất 6% ngay khi mở cửa. Từ phiên cuối tuần trước, chỉ số này hiện đã rơi vào vùng điều chỉnh, khi giảm 11% so với đỉnh tháng 2.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa mở cửa cũng lao dốc. Chỉ số Shanghai Composite hiện giảm 4%. Hang Seng Index (Hong Kong) mất gần 10%.
Tại Đài Loan, giới chức sáng 7/4 phải kích hoạt cơ chế ngắt mạch trên thị trường chứng khoán, sau khi cổ phiếu TSMC và Foxconn giảm gần 10%. Đài Loan cũng là một trong các đối tác thương mại lớn của Mỹ, bị áp thuế đối ứng 32%.
Các chỉ số tương lai của thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang đi xuống. DJIA tương lai hiện mất 1.200 điểm, tương đương 3,3%. S&P 500 và Nasdaq 100 tương lai giảm lần lượt 3,8% và 4,8%.
Chứng khoán Mỹ bị bán tháo mạnh cuối tuần trước, sau khi Trung Quốc công bố đáp trả thuế nhập khẩu đối ứng. Trước đó, Canada cũng có động thái tương tự.
Chốt phiên 4/4, DJIA giảm 2.231 điểm, tương đương 5,5% – ghi nhận phiên giảm điểm mạnh Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020. Tuần trước cũng là lần đầu tiên trong lịch sử DJIA ghi nhận 2 phiên liên tiếp giảm trên 1.500 điểm.
S&P 500 mất 5,9% – thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Nasdaq Composite – theo dõi nhiều cổ phiếu công nghệ – giảm 5,8%.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)