spot_img
23 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánGiám đốc Phân tích ACBS: Vẫn có thể kỳ vọng thị trường...

Giám đốc Phân tích ACBS: Vẫn có thể kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng trên 10% trong năm nay

Theo chuyên gia ACBS, qua đợt điều chỉnh vừa rồi định giá của VN-Index đã về một vùng hấp dẫn và gần tiệm cận mức định giá đáy của 5 năm vừa qua.

Sau khi thị trường chứng kiến đợt giảm sâu liên tiếp thì cũng đã có những phiên phục hồi trở lại. Thực tế, GDP quý I/2025 của Việt Nam đã tăng trưởng gần 7%, Tổ chức xếp hạng FTSE Russell cũng mới công bố kết quả đánh giá tích cực cho những nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng hạng. Vậy trong bối cảnh các thông tin sáng và tối đan xen như vậy thì liệu thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào và dòng vốn vào thị trường sẽ ra sao?

Trao đổi trong Talkshow Phố Tài chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá, trong ngắn hạn những căng thẳng thương mại sẽ vẫn tiếp tục làm ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, về dài hạn, với việc nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tích cực, triển vọng nâng hạng đang đến gần sẽ giúp dòng vốn ngoại quay trở lại.

BTV Khánh Ly: Như bà cũng đã thấy những diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu và của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những phiên vừa qua, phản ứng này có thái quá hay không?

Bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Trung tâm Phân tích , Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) :  VN-Index sau thông tin bị áp thuế đã giảm 4 phiên liên tiếp từ mốc 1.317 điểm ngày 2/4 tới 9/4 về 1.094 điểm (223 điểm) mất tổng cộng 16,9%. Sau khi có thông tin tạm hoãn áo thuế từ phía Mỹ thì thị trường đã quay đầu tăng trần trở lại trong phiên ngày 10/4 và lấy lại được sắc xanh từ đó đến nay.

Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, VN-Index chỉ còn mất khoảng 5,8% trong đợt sụt giảm vừa rồi. Trong lịch sử, VN-Index cũng từng chứng kiến rất nhiều đợt sụt giảm mạnh từ 20%-25% ví dụ như vào đầu tháng 3/2020, khi Covid-19 bùng phát, hoặc đầu Quý/2022, VN Index giảm từ 1.523 điểm khi Fed đảo chiều chính sách, hay gần nhất là sự kiện khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp giữa tháng 10/2022.

Vì vậy, nếu xét về mức độ giảm thì lần giảm do tác động của thuế quan này không phải là phản ứng thái quá, vì bản chất vấn đề khá nghiêm trọng và tính bất định của câu chuyện trong dài hạn.

Vậy theo bà, thời gian tới các thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ đi vào ổn định hơn không?

Bà Đỗ Minh Trang: Nếu xét rộng hơn toàn cầu với bối cảnh hiện giờ, chúng ta phải chấp nhận thực tại rằng với 4 năm trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khó có thể khẳng định thị trường tài chính toàn cầu sẽ ổn định. Các thông tin và chính sách đưa ra dồn dập, và có thể thay đổi liên tục ở thượng tầng của các nước lớn. Sự căng thẳng về thương mại, sau đó tác động đến căng thẳng tiền tệ thậm chí có thể là tiền đề cho sự căng thẳng về địa chính trị.

Chúng ta cũng có thể thấy các dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trước những căng thẳng thương mại xảy ra là 2,7%-3,3% theo World Bank và IMF. Trong đó, tăng trưởng của Mỹ là 2,3%-2,7% và của Trung Quốc là 4,5%-4,6%. Tuy nhiên, khi thương chiến xảy ra, đặc biệt là sự áp thuế giữa Mỹ và Trung Quốc, tăng trưởng GDP của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này liệu có giữ được như dự báo hay không sẽ khó đoán định và do đó, tăng trưởng GDP toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hiện, dự kiến sẽ giảm khoảng 1%. Thậm chí trong kịch bản trước khi hoãn thi hành thuế 90 ngày, Goldman Sachs đưa xác suất suy thoái kinh tế Mỹ từ 35%-45%.

Tuy nhiên, việc dự báo các kịch bản trong bối cảnh hiện giờ theo tôi là rất khó đoán định.

Thực tế trong quý 1/2025 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực gần 7%, các chính sách đang hết sức hỗ trợ nền kinh tế, nhưng với những diễn biến đối với các chính sách thuế quan trên toàn cầu hiện nay liệu có làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2025 không ?

Bà Đỗ Minh Trang: Việt Nam là nền kinh tế mở với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP rất cao, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 38%-40% kim ngạch nhập khẩu.

Còn về xuất khẩu, chúng ta xuất khẩu đi Mỹ chiếm 30% cơ cấu xuất khẩu. Như vậy, giả sử các thị trường khác không biến động nhiều, trong bối cảnh thị trường Mỹ và Trung Quốc có những thay đổi lớn về thuế và bị tác động mạnh cũng sẽ khiến hoạt động xuất nhập của chúng ta bị ảnh hưởng tối đa là trong khoảng 30%-40% liên quan tới 2 quốc gia này.

Ngoài ra, không chỉ so sánh với Mỹ và Trung Quốc, còn phải so sánh với các nước khác như Indonesia, Malaysia, Ấn độ, Nam Mỹ,… khi mức thuế sau đàm phán của Việt Nam nếu vẫn cao hơn đáng kể so với các nước này sẽ chứng kiến làn sóng dịch chuyển FDI. Vì vậy, bài toán đặt ra ở đây đối với Việt Nam còn những thách thức.

Trong trường hợp này, chúng ta cần cố gắng thúc đẩy đầu tư công để bù đắp cho sự sụt giảm của hoạt động xuất nhập khẩu và FDI nếu có. Đầu tư công hiện đang chiếm khoảng 10% cơ cấu GDP. Bằng nội lực, chúng ta dự báo sẽ vẫn đạt mức tăng trưởng GDP cơ bản cao trong năm nay.

Ngoài ra, FTSE tiếp tục đưa ra review tích cực về khả năng nâng hạng thị trường trong năm 2025 và KRX cũng sắp sửa đi vào vận hành. Theo bà, thị trường chứng khoán sẽ diễn biến sẽ ra sao?

Bà Đỗ Minh Trang:  Mức tăng trưởng 7% trong quý 1/2025 (kết thúc ngày 31/3) là chưa phản ánh về câu chuyện thuế quan. Hiện nay, chúng ta có 90 ngày để đàm phán, và dự báo tăng trưởng Quý 2/2025 mới bộc lộ phần nào tác động của thuế quan.

Trong bối cảnh chờ đợi, đa phần các doanh nghiệp sẽ tranh thủ xuất khẩu hàng, giảm thiểu nhập khẩu nguyên vật liệu, tạm chờ chưa đầu tư mở rộng, tạm dừng giải ngân FDI… Với các yếu tố kể trên, chúng tôi dự báo VN-Index nói riêng và các thị trường chứng khoán nói chung sau khi thị trường hồi phục sẽ đạt một ngưỡng ổn định về tâm lý và cân bằng cung cầu mua bán. Và sau đó, các NĐT sẽ bắt đầu thực sự nhìn nhận tới triển vọng tăng trưởng kinh tế của từng quốc gia, từng doanh nghiệp, để cân nhắc đầu tư theo xu hướng dài hạn hơn.

Nhưng với một kỳ vọng rằng kịch bản cơ sở GDP vẫn có thể tăng trưởng GDP 6,5% – 7% và lợi nhuận của nhiều công ty, những doanh nghiệp niêm yết trên sàn trong đó nhóm xuất nhập khẩu, ngành ngân hàng, vẫn sẽ có mức độ tăng trưởng khoảng 14%-15%, kỳ vọng về tăng trưởng của thị trường chứng khoán cũng có thể tăng được trên 10% trong năm nay.

Còn dòng tiền vào thị trường sẽ như thế nào trong bối cảnh này theo bà?

Bà Đỗ Minh Trang: NĐT nước ngoài sẽ có xu hướng tiếp tục bán ròng trong nửa đầu quý 2/2025 vì họ muốn gia tăng tỷ trọng tiền mặt để đối phó với bài toán tiến trình đàm phán thuế, phòng vệ rủi ro tỷ giá, và cơ cấu lại danh mục theo hướng mới.

Bên cạnh đó, khả năng được nâng hạng trong trường hợp khả thi nhất cũng phải đến review nâng hạng trong tháng 9/2025 từ nay đến đó còn khoảng 6 tháng nữa. Trong khi đó, đối với dòng vốn nước ngoài thì quỹ ETF vốn dĩ sẽ luôn phân bổ một phần vào Việt Nam khi chính thức được nâng hạng. Còn quỹ chủ động thì sẽ xem xét cẩn trọng hơn, và phụ thuộc vào tình hình đàm phán thuế.

Ngoài ra, VN khó có khả năng tiếp tục hạ lãi suất, mà thiên nhiều hơn về xu hướng cố gắng giữ lãi suất thấp vì sức ép tỷ giá gia tăng, đặc biệt khi Trung Quốc hạ tỷ giá tham chiếu để hỗ trợ xuất khẩu của nước họ.

Tuy nhiên, chúng ta có thể hy vọng nhiều hơn vào sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân trong nước, bởi qua đợt điều chỉnh vừa rồi định giá của VN-Index đã về một vùng hấp dẫn và gần tiệm cận mức định giá đáy của 5 năm vừa qua.

Chờ đợi đến kỳ nâng hạng, nhà đầu tư cá nhân sẽ là một lực lượng tích cực tham gia vào thị trường. Còn nếu được nâng hạng, kỳ vọng sẽ có sự tham gia chủ động các quỹ ETF, họ sẽ tự động phân bổ một phần khoảng 300 – 400 triệu USD. Chúng ta sẽ phải chờ đợi sự thay đổi về nội lực để chứng minh được rằng chúng ta sẽ vươn lên như thế nào, lúc đó mới sẽ thu hút nguồn vốn dài hạn và chắc chắn hơn.

Nhà đầu tư nên có chiến lược như thế nào vào lúc này?

Bà Đỗ Minh Trang: Tôi cho rằng nhà đầu tư cá nhân không nên tham gia lướt sóng hay sử dụng margin vào lúc này vì rủi ro biến động giá vẫn rất cao.

Bối cảnh hiện giờ khiến cho chiến lược “phân bổ tài sản” ngày càng trở nên quan trọng hơn so với việc cố gắng đánh bại thị trường hay cố gắng phán đoán hành động ông Trump. Chiến lược phân bổ nên ưu tiên tới các tài sản có khả năng tăng giá khi rủi ro suy thoái xảy ra, ví dụ như gia tăng tỷ trọng tiền mặt, vàng… cân đối giảm tỷ trọng cổ phiếu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thương chiến, hạn chế tiền gửi dài hạn vì nguy cơ lãi suất có thể gia tăng.

Còn nói về những nhóm ngành, nếu câu chuyện thuế quan xảy ra theo chiều hướng xấu, các ngành xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, tiếp đó là bất động sản khu công nghiệp, vận tải hàng hóa, cảng biển do lưu lượng hàng xuất nhập khẩu giảm…

Chúng ta có thể tập trung vào những nhóm ngành đi cùng với sự tăng trưởng kinh tế ở mức ổn định, ví dụ như ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng cơ bản có thị trường tiêu thụ nội địa là chính, xây dựng hạ tầng đầu tư công, điện nước do có dòng tiền ổn đinh cổ tức tốt hay nhóm ngành công nghệ. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý khi chọn cổ phiếu, đó là doanh nghiệp không nên có nợ vay ngoại tệ lớn và không phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu và có thị trường tiêu thụ nội địa lớn.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật