Ngày 19/12, CTCP Chứng khoán DNSE (Mã DSE – HoSE) tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Trump đắc cử – Cơ hội hay thách thức đầu tư chứng khoán”, với sự tham gia của các diễn giả: Ông Trần Ngọc Báu (Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành WiGroup), ông Nguyễn Tuấn Anh (Nhà sáng lập FinPeace) và ông Hồ Sỹ Hòa (Giám đốc Tư vấn & Nghiên cứu đầu tư DNSE).
Từ trái qua phải: Ông Trần Ngọc Báu, ông Nguyễn Tuấn Anh và ông Hồ Sỹ Hòa |
Nêu quan điểm về thị trường chứng khoán năm 2025, ông Tuấn Anh cho rằng, để trả lời chính xác thì rất là khó, song nhìn chung sideway là một câu trả lời có xác suất cao nhất bởi hai năm qua VN-Index vẫn chủ yếu vận động trong vùng 1.280 điểm. “Tuy nhiên, tôi nghĩ thị trường đầu cơ luôn có những logic “điên rồ” của nó và cái nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý rằng nếu VN-Index vượt lên trên vùng 1.305 thì điều gì sẽ xảy ra? Cá nhân tôi cho rằng việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ là tích cực. Điều này càng phù hợp đối với một nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật bởi họ thích biến động, vì biến động là cơ hội”, vị chuyên gia nêu vấn đề.
Tại buổi thảo luận, cổ phiếu Tập đoàn FPT – một trong những cái tên được giới đầu tư đặc biệt quan tâm – đã trở thành tâm điểm.
Theo ông Trần Ngọc Báu, FPT không hẳn là một công ty công nghệ đúng nghĩa mà hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực gia công phần mềm. Điểm mạnh của tập đoàn này nằm ở đội ngũ nhân sự lập trình viên giá rẻ, tạo lợi thế cạnh tranh với các quốc gia như Ấn Độ. Chính yếu tố này đã giúp lợi nhuận của FPT tăng trưởng bền vững trong những năm qua, nhờ xu hướng dịch chuyển gia công phần mềm từ các nền kinh tế phát triển sang khu vực có chi phí thấp hơn.
“Lợi thế của FPT vẫn còn và lợi nhuận của họ có thể tiếp tục tăng trưởng trong chu kỳ dài”, ông Báu nhận định. Tuy nhiên, vị chuyên gia đặt câu hỏi về việc liệu cổ phiếu FPT còn giữ được sức hấp dẫn hay không khi mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình 20% đã phản ánh tương đối vào giá cổ phiếu.
Cổ phiếu FPT tăng trưởng gấp gần 6 lần VN-Index trong khung 25 tháng |
Kết phiên 20/12, FPT tăng 0,9% lên sát mốc 150.000 đồng (tiếp tục duy trì vùng giá đỉnh lịch sử). Mã đã tăng hơn 80% từ đầu năm 2024 và hơn 210% từ mức đáy 873 điểm của VN-Index hồi tháng 11/2022. Đây cũng là mức tăng Top đầu của một cổ phiếu VN30 xét trong cùng thời điểm.
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư kỹ thuật, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, cổ phiếu FPT đã bước vào vùng quá mua. Dù bản thân là người chấp nhận rủi ro, ông cũng quyết định dừng lại với FPT vì khó có khả năng tăng trưởng đột biến trong ngắn hạn. “Với mức tăng giá hiện tại, tôi nghĩ cơ hội tăng tiếp không còn nhiều”, ông chia sẻ.
Vị chuyên gia đồng thời nhấn mạnh: “Nếu VN-Index vượt 1.305 điểm, tôi sẽ chọn nhóm ngành đi song hành với chỉ số. Tuy nhiên, FPT hiện tại không còn là lựa chọn ưu tiên”. Theo đánh giá, câu chuyện của FPT hiện không còn mới mẻ và thị trường đang thiếu yếu tố đột phá để tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho cổ phiếu này.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đều thống nhất rằng thị trường chứng khoán năm 2025 có thể sẽ vận động trong biên độ hẹp. Ông Trần Ngọc Báu nhận định, những yếu tố rủi ro lớn như tỷ giá và lãi suất đã được thị trường phản ánh phần lớn, song những yếu tố tạo động lực bứt phá lại đang rất thiếu. Do đó, thị trường giai đoạn đầu năm 2025 có thể chỉ “ngắm để chờ”.
Với Tập đoàn FPT, câu chuyện tăng trưởng dường như đã ổn định và khó tạo bất ngờ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh đây vẫn là một doanh nghiệp tiềm năng nếu xét về lợi thế dài hạn trong ngành gia công phần mềm.
Ngoài FPT, các diễn giả cũng đề cập đến tiềm năng từ các ngành khác trong đó có dầu khí. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng đây có thể là nhóm ngành tạo bất ngờ trong năm 2025. Ngược lại, CEO WiGroup lại thiên về nhóm ngân hàng với lý do đây là ngành vẫn duy trì được sức hút nhờ câu chuyện đặc thù của từng doanh nghiệp.