spot_img
12 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánGóc nhìn chuyên gia: VN-Index khó vượt 1.300 điểm trong ngắn hạn,...

Góc nhìn chuyên gia: VN-Index khó vượt 1.300 điểm trong ngắn hạn, tận dụng nhịp điều chỉnh tích luỹ cổ phiếu trước Tết

Bước sang tuần giao dịch chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới, đa số chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán trong nước có thể duy trì xu hướng vận động đi lên và chỉ số sẽ kiểm định vùng kháng cự mạnh 1.280-1.300 điểm.

Thị trường chứng khoán di chuyển theo hướng Sideway Up với những phiên tăng giảm xen kẽ trong tuần qua. Điểm nhấn là phiên giao dịch giữa tuần vào ngày 25/12, thị trường bật tăng 14 điểm với thanh khoản đột biến. VN-Index đang dừng lại ở vùng đỉnh của nhịp tăng trước quanh 1.280 điểm, đây cũng là ngưỡng kháng cự cứng của thị trường xuyên suốt năm vừa qua.

Bước sang tuần giao dịch chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới, đa số chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán trong nước có thể duy trì xu hướng vận động đi lên và chỉ số sẽ kiểm định vùng kháng cự mạnh 1.280-1.300 điểm. Tuy nhiên xác suất thị trường sớm vượt qua được vùng kháng cự mạnh này không cao, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn đang căng thẳng.

Góc nhìn chuyên gia: VN-Index khó vượt 1.300 điểm trong ngắn hạn, tận dụng nhịp điều chỉnh tích luỹ cổ phiếu trước Tết- Ảnh 1.

Xác suất VN-Index vượt 1.300 điểm không cao

Ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT  cho rằng các chỉ số chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến xu hướng phục hồi tích cực trong tuần qua khi những rủi ro gần đây tạm thời lắng dịu. Cụ thể, đà tăng của chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) đã chững lại trong tuần qua giúp tỷ giá USD/VND liên ngân hàng “tạm thời hạ nhiệt” và giảm xuống dưới ngưỡng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Điều này tạo điều kiện để NHNN bơm trở lại lượng lớn thanh khoản (khoảng hơn 70.000 tỷ đồng) cho hệ thống ngân hàng trong phiên 23/12/-26/12, đảo ngược lại gần như hoàn toàn mức hút ròng gần 71.500 tỷ đồng trong tuần trước đó. Đây là diễn biến tích cực trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang “nỗ lực về đích tăng trưởng tín dụng trong những ngày cuối năm”.

Trước diễn biến đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã chứng kiến đà tăng giá ấn tượng và là động lực chính thúc đẩy xu hướng đi lên của các chỉ số chứng khoán. Đồng thời, nhóm cổ phiếu đầu tư công cũng “dậy sóng” khi nhà đầu tư kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công trong năm tới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, nhìn chung đà tăng giá chỉ diễn ra “cục bộ” ở một số nhóm ngành và mức độ lan tỏa chưa cao khi dòng tiền trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu nhập cuộc một cách mạnh mẽ. Bước sang tuần giao dịch chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới, chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán trong nước có thể duy trì xu hướng vận động đi lên và chỉ số sẽ kiểm định vùng kháng cự mạnh 1.280-1.300 điểm.

Hiện tại, xác suất thị trường sớm vượt qua được vùng kháng cự mạnh này không cao, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn “chực chờ” và thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh. Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng những phiên tăng điểm để giảm đòn bẩy và hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn, hạn chế giải ngân mới để giảm thiểu rủi ro.

Tận dụng nhịp rung lắc để tích luỹ cổ phiếu

Ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng phòng – Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco nhận định xu hướng giằng co thanh khoản thấp, “ru ngủ” nhà đầu tư trong sideway sau đó tăng giảm đột biến để phá vỡ các đường hỗ trợ/kháng cự xảy ra liên tục trong tháng qua. Điều này đã gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc đưa ra quyết định giao dịch phù hợp.

Tuy nhiên dựa theo những gì thị trường đang thể hiện, chuyên gia cho rằng xu hướng chủ đạo ngắn hạn hiện vẫn đang là tăng giá trước khi bước vào năm mới. “Mua tại hỗ trợ trong xu hướng tăng và nắm giữ tới khi xác nhận đảo chiều xu hướng” vẫn sẽ là khẩu quyết được khuyến nghị cho những nhà đầu tư ngắn hạn dựa trên xu hướng thị trường.

Theo thống kê sơ bộ, từ khi thành lập vào tháng 8/2000, VN-Index có 14/24 năm tăng điểm vào tháng 1. Dù không phải là tháng có tỷ lệ tăng cao nhất nhưng tháng 1 là tháng có hiệu suất thị trường bình quân tốt nhất ở mức +4,9%, vượt trội so với tháng xếp thứ hai là +2,5%. Tuy nhiên, số năm phát triển của thị trường Việt Nam còn hạn chế, lượng mẫu tham khảo nhỏ nên ý nghĩa thống kê là không rõ ràng.

Để lý giải việc thị trường có xác suất tăng trong tháng 1 cao, ông Khoa cho rằng có một số nguyên nhân sau: (1) Hoạt động cơ cấu danh mục giải ngân đầu năm của các quỹ, nhà đầu tư lớn được thực hiện mạnh mẽ; (2) Các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ thường được đưa ra và áp dụng chính thức từ đầu năm tạo sự kỳ vọng cho giới đầu tư; và nguyên nhân cuối cùng cũng là nguyên nhân chủ đạo; (3) Tháng 1 cũng đồng thời là mùa công bố BCTC Quý 4 với xu hướng ghi nhận lợi nhuận tích cực trong cả năm, ngoài ra các doanh nghiệp cũng sẽ lên kế hoạch kinh doanh 2025 với nhiều kỳ vọng.

Hiện tại, thị trường bước vào giai đoạn bản lề trước khi công bố KQKD Quý 4. Trong quý 4. Lợi nhuận toàn thị trường dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế. Câu chuyện đầu tư giai đoạn cuối năm cũng sẽ xoay quanh các nhóm ngành, các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Các nhóm ngành có thể thu hút dòng tiền với KQ KD Quý 4 tích cực có thể kể đến như nhóm Bán lẻ, Logistics, Xây dựng và vật liệu.

Với nhóm bán lẻ, Quý 4 thường là giai đoạn cao điểm KQKD với nhu cầu tăng cao trong dịp lễ Tết, kỳ vọng lợi nhuận có thể duy trì tăng trưởng mạnh trên mức nền thấp cùng kỳ. Nhóm logistics cũng được kỳ vọng có KQKD tích cực khi hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc, kim ngạch xuất nhập khẩu các tháng trong Quý 4 duy trì tăng trưởng cao trên 15% so với cùng kỳ.

Đối với nhóm xây dựng và vật liệu, bên cạnh kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ nền kinh tế phục hồi, nhóm này cũng sẽ thu hút dòng tiền nhờ kỳ vọng vào câu chuyện đầu tư trong năm 2025 khi đầu tư công sẽ được đẩy mạnh giải ngân.

Về mặt bằng định giá, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E khoảng 13 lần, đây là mức tương đối thấp so với trung bình quá khứ. Với kỳ vọng lợi nhuận thị trường trong Quý 4 tăng khoảng 15% so với cùng kỳ, P/E forward của VN-Index chỉ còn khoảng 12 lần, đây là mức hấp dẫn nếu như so với mặt bằng định giá trong quá khứ và các nước trong khu vực. Dù lợi nhuận thị trường tăng trưởng không như kỳ vọng trong Quý 4, mức định giá P/E hiện tại vào khoảng 13 lần cũng không phải mức cao và không có nhiều rủi ro điều chỉnh định giá cho thị trường chung.

Góc nhìn chuyên gia: VN-Index khó vượt 1.300 điểm trong ngắn hạn, tận dụng nhịp điều chỉnh tích luỹ cổ phiếu trước Tết- Ảnh 2.

Theo chuyên gia, VN-Index vẫn đang dao động trong kênh giá 1.200 – 1.300 điểm kéo dài từ giữa năm 2024 cho tới nay. Thị trường sẽ cần trợ lực từ các thông tin hỗ trợ và thanh khoản gia tăng để có thể bứt phá ra khỏi vùng kênh giá kể trên.

Giai đoạn hiện tại, thanh khoản đã có sự cải thiện và kỳ vọng tiếp tục gia tăng trong đầu năm nhờ hiệu ứng tháng Giêng. Tuy nhiên, nhà đầu tư hiện tại vẫn đang lo ngại các yếu tố rủi ro về tỷ giá có thể sẽ là lực cản khiến thị trường gặp khó khăn trong việc bứt phá khỏi vùng kháng cự 1.300 điểm.

Chuyên gia cho rằng thị trường sẽ chưa thể bứt phá ngay khỏi vùng kháng cự kể trên và sẽ tiếp tục có các nhịp điều chỉnh, tái tích lũy từ bây giờ cho tới Tết. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh này để tích lũy dần các cổ phiếu tốt với mặt bằng giá hấp dẫn.

Đặt kỳ vọng ở mức vừa phải

Ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh DSC dự báo thị trường vẫn sẽ tiếp tục xu hướng giằng co trong khoảng 1-2 tuần giao dịch tới và phân hoá mạnh với câu chuyện về BCTC quý 4. Nguyên nhân do dòng tiền kỳ vọng sẽ có sóng năm mới, nhưng năm nay giai đoạn này tiền vẫn yếu. Áp lực tỷ giá lên thanh khoản hệ thống vẫn có nên thị trường khó bùng nổ nếu không có yếu tố mang tính đột biến và BCTC quý 4 sắp tới cũng dự kiến phân hoá giữa các ngành, doanh nghiệp. Do đó, chuyên gia đưa ra quan điểm trung lập về xu hướng thị trường sau Tết và nửa đầu năm 2025. Nếu có sóng tăng thì cũng sẽ không tăng mạnh, chỉ dao động quanh vùng 1.300 điểm.

Góc nhìn chuyên gia: VN-Index khó vượt 1.300 điểm trong ngắn hạn, tận dụng nhịp điều chỉnh tích luỹ cổ phiếu trước Tết- Ảnh 3.

Dự báo ngắn hạn về yếu tố tác động đến thị trường sau tết Dương lịch, ông Huy cho rằng khả năng áp lực khối ngoại bán ròng sẽ giảm bớt sau năm bán ròng kịch liệt. Mặc dù kỳ vọng nâng hạng có thể sẽ hỗ trợ thị trường, nhưng câu chuyện này khả năng cũng đã phản ánh một phần vào VN-Index hiện tại và kỳ vọng mới chỉ xuất hiện nửa sau năm 2025.

Chiều ngược lại, thị trường cũng đối diện nhiều áp lực khi thanh khoản khả năng chưa thể sớm cải thiện, lãi suất xu hướng tăng lại, áp lực từ tỷ giá, rủi ro từ các chính sách từ Trump khi lên nhận chức. Tăng trưởng EPS ở quý 1 năm sau khả năng cũng không quá tích cực khi không được so trên mức nền thấp. Nhóm Ngân hàng dự báo duy trì mức tốt, Bất động sản phục hồi, hnưng các ngành phi tài chính khác như Thép, Bán lẻ, Xuất khẩu (Cá tra, Dệt May…) hàng không, cảng biển, logictics… sẽ chậm lại, thậm chí ngành Chứng khoán có thể suy giảm lợi nhuận.

Với BCTC quý 4 sắp tới, bức tranh sẽ phân hoá mạnh ở từng doanh nghiệp. Chuyên gia cho rằng Ngân hàng, Bất động sản, Hàng tiêu dùng, Bất động sản Khu công nghiệp, Đầu tư công sẽ là những nhóm ngành sẽ có BCTC quý 4 ổn và trong năm 2025 sẽ được hưởng lợi từ việc thúc đẩy đầu tư công và tiêu dùng nội địa và đây cũng là những nhóm ngành có khả năng hấp thụ dòng vốn từ khối ngoại nếu thị trường được nâng hạng nhờ lợi thế qui mô vốn hóa lớn và hở room ngoại sau một thời gian dài bị bán ròng.

Về chiến lược giải ngân, ông Huy thống kê trong 7 năm trở lại đây, có 5 năm là thị trường tăng tốt trong 2 tuần đầu của năm mới Âm lịch. Do đó, nhà đầu tư tỷ trọng tiền mặt cao, thì có thể tích luỹ cổ phiếu trong giai đoạn này. Tuy nhiên cần nhắc lại về một số rủi ro từ thế giới trong giai đoạn hiện tại và dòng tiền cũng chưa quá khỏe nên kỳ vọng ở giai đoạn này nên ở mức vừa phải.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật