Ngày 15/4/2025, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam – PVN) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ giữa hai tập đoàn kinh tế Nhà nước trụ cột, mở ra một chương mới trong việc tận dụng tối đa thế mạnh của mỗi bên để cùng nhau phát triển đột phá.
Theo đó, thỏa thuận đặc biệt nhấn mạnh đến việc phối hợp nghiên cứu, sản xuất các nguyên liệu, vật liệu và hóa chất chuyên dụng phục vụ ngành công nghiệp kỹ thuật cao, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn – ngành yêu cầu hàm lượng công nghệ tiên tiến và đang được toàn cầu quan tâm.
Trong hợp tác này, Vinachem – với lợi thế về công nghệ hóa chất sẽ phối hợp cùng PVN – đơn vị có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm quản lý dự án lớn, nhằm xây dựng chuỗi cung ứng nội địa, đặt nền móng cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở đó, hai bên còn hướng đến sản xuất các sản phẩm công nghệ cao phục vụ ngành năng lượng mới, điện tử và tự động hóa. Việc đẩy mạnh nghiên cứu và đào tạo trong các lĩnh vực công nghiệp hiện đại sẽ giúp hai tập đoàn đón đầu xu thế thị trường và từng bước tham gia sâu hơn vào các ngành công nghiệp của tương lai. Đồng thời, PVN và Vinachem cũng thống nhất đẩy mạnh hợp tác đầu tư và góp vốn vào các dự án trọng điểm trong nhiều lĩnh vực, qua đó mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh.
![]() |
Petrovietnam và Vinachem ký kết hợp tác chiến lược (Ảnh: Vinachem) |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN khẳng định: “Đây là sự kết hợp giữa hai tập đoàn hàng đầu đất nước, cùng phát triển từ nền tảng khoa học công nghệ cao, hiện đại và phức tạp. Hợp tác không chỉ mở ra dư địa tăng trưởng mới, mà còn góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của mỗi bên, đóng góp thiết thực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.”
Về phía Vinachem, ông Phùng Quang Hiệp – Chủ tịch Hội đồng Thành viên nhấn mạnh: “Hợp tác giữa hai tập đoàn là hành động cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ về việc tăng cường gắn kết, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời thể hiện tinh thần hợp tác toàn diện. Không có đầu tư thì không thể phát triển. Muốn hợp tác hiệu quả, cần có hành động rõ ràng, mục tiêu cụ thể, sản phẩm thiết thực và danh mục công việc có thể quản lý, theo dõi để thúc đẩy hiệu quả hợp tác.”
Trước đó, PVN và Vinachem đã có sự phối hợp hiệu quả trong các lĩnh vực như cung ứng nguyên liệu, sản xuất phân bón và hóa chất. Tuy nhiên, thỏa thuận lần này là bước tiến mang tính chiến lược, toàn diện hơn, thể hiện tầm nhìn dài hạn và khát vọng cùng xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hiện đại, đồng bộ tại Việt Nam.
Năm 2024, doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt 18,7 tỷ USD, với khoảng 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch và 6.000 kỹ sư thiết kế. Trong Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghiệp bán dẫn và điện tử.
Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ nghiên cứu phát triển, hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế chip, 3 nhà máy chế tạo, 20 cơ sở đóng gói và kiểm thử bán dẫn vào năm 2050. Về quy mô, doanh thu ngành bán dẫn dự kiến vượt 100 tỷ USD/năm, với giá trị gia tăng nội địa đạt 20 – 25%. Đối với công nghiệp điện tử, doanh thu kỳ vọng đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, với tỷ lệ giá trị gia tăng tương đương.