Thị trường sáng nay (14/11) rung lắc. VN-Index vận động dưới vùng tham chiếu trong phần lớn phiên giao dịch sáng. Chỉ số đại diện sàn HoSE tạm khép lại phiên sáng với mức giảm 3,3 điểm tương ứng 0,27% còn 1.242,74 điểm.
Các chỉ số chính đồng loạt điều chỉnh. VN30-Index giảm 5,84 điểm tương ứng 0,45%. HNX-Index giảm 0,83 điểm tương ứng 0,37%; UPCoM-Index giảm 0,1 điểm tương ứng 0,11%.
Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về phía các mã giảm. Theo đó, có 373 mã giảm giá trên cả 3 sàn so với 275 mã tăng. Riêng sàn HoSE có đến 207 mã giảm giá, gần gấp đôi số mã tăng là 112 mã.
Thanh khoản thị trường thấp trong bối cảnh vẫn còn 790 mã không phát sinh giao dịch nào. Khối lượng giao dịch sàn HoSE đạt 209,32 triệu cổ phiếu tương ứng 5.203,82 tỷ đồng và trên HNX là 15,27 triệu cổ phiếu tương ứng 309,74 tỷ đồng. Sàn UPCoM có 12,58 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 208,19 tỷ đồng.
Nhóm Vingroup là trợ thủ đắc lực của chỉ số phiên sáng nay, trong đó, VIC và VHM là 2 mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index. VHM đóng góp 0,53 điểm còn VIC đóng góp 0,37 điểm cho chỉ số chính. VRE cũng là một trong 10 cổ phiếu có tác động tích cực nhất đối với chỉ số.
Cụ thể, sáng nay, VHM tăng 1,2% lên 40.800 đồng; VIC tăng 1% lên 41.000 đồng và VRE tăng 1,9% lên 18.450 đồng. VHM cũng là cổ phiếu có thanh khoản dẫn đầu thị trường, khớp lệnh xấp xỉ 10 triệu cổ phiếu. Giữa lúc đó, rổ VN30 có đến 22 mã điều chỉnh giá.
Với sự dẫn dắt của cổ phiếu “họ” Vin, ngành bất động sản có diễn biến giá tương đối tích cực. VRC tăng 5,6%; QCG hồi phục mạnh 3,9%; SGR tăng 3,1%; PTL tăng 3%; LHG tăng 1,9%. Ngược lại, một số mã có mức điều chỉnh mạnh là NVT giảm 3,2%; DTA giảm 2,9%; NBB giảm 2,8%; TDH giảm 2%; D2D giảm 2%.
Không có mã ngân hàng nào trên sàn HoSE tăng giá, hầu hết điều chỉnh nhưng mức giảm không lớn. VPB mất 1,6% còn lại đều giảm dưới mức 1%: TCB, STB, OCB, MSB cùng giảm 0,9%; HDB giảm 0,8%: EIB giảm 0,8%… Thanh khoản tại nhóm này cũng chùng xuống. Hai mã khớp lệnh mạnh nhất là VPB và TPB, khớp lệnh cũng chỉ đạt 3,2 triệu đơn vị mỗi mã.
Cổ phiếu dịch vụ tài chính ghi nhận sự phục hồi nhẹ tại FTS và TVS, còn lại giảm: DSC giảm 2,4%; APG giảm 2%; EVF giảm 1,8%; BSI, AGR, TCI, SSI, VIX, VCI, ORS, DSE đều nhuốm sắc đỏ trên bảng điện.
Theo giới phân tích, mặc dù thị trường ghi nhận nến rút chân ở phiên 13/11 nhưng nhà đầu tư vẫn cần thận trọng và quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái của thị trường. Hiện tại, độ ổn định của thị trường thấp và rủi ro tiềm ẩn nên nhà đầu tư cũng cần cân nhắc quản trị danh mục hợp lý, tránh rơi vào trạng thái quá mua.