spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánHết đường 'tuồn hàng', một đại gia thép Trung Quốc báo lỗ...

Hết đường ‘tuồn hàng’, một đại gia thép Trung Quốc báo lỗ 25.000 tỷ đồng

Angang Steel – công ty con của tập đoàn thép lớn thứ hai Trung Quốc báo lỗ gần 25.000 tỷ đồng trong năm 2024, giữa lúc ngành thép nước này chìm trong khủng hoảng kép: tiêu thụ nội địa suy yếu, xuất khẩu bị chặn.

Angang Steel Co Ltd – công ty con được niêm yết của tập đoàn sản xuất thép lớn thứ hai Trung Quốc đã ghi nhận khoản lỗ lên tới 7,1 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 25.000 tỷ đồng) trong năm 2024, cao gấp đôi so với mức lỗ 3,3 tỷ Nhân dân tệ (hơn 11.600 tỷ đồng) của năm 2023. Kết quả này diễn ra trong bối cảnh ngành thép Trung Quốc đang rơi vào giai đoạn khó khăn kéo dài, khi cuộc khủng hoảng bất động sản làm xói mòn nhu cầu tiêu thụ, trong khi sản lượng vẫn duy trì ở mức cao.

“Vào năm 2024, ngành công nghiệp thép phải đối mặt với tình trạng thị trường yếu kém ngày càng trầm trọng hơn. Giá thép giảm trong bối cảnh nhu cầu hạ nguồn yếu, trong khi giá quặng sắt vẫn ở mức cao” – công ty cho biết trong báo cáo gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến.

Hết đường 'tuồn hàng', một đại gia thép Trung Quốc báo lỗ 25.000 tỷ đồng
Ngành thép Trung Quốc chìm trong thua lỗ kèm khối nợ “khổng lồ”

Hiện tại, Trung Quốc vẫn sản xuất trên 1 tỷ tấn thép – năm thứ 5 liên tiếp duy trì mức cao này. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ lại không theo kịp, khiến nhiều nhà máy rơi vào tình trạng thua lỗ nghiêm trọng.

Theo Cục Thống kê Trung Quốc, ngành thép nước này đã báo lỗ trong hầu hết thời gian của năm 2024. Tổng nợ của toàn ngành đã tăng lên mức cao kỷ lục 5.100 tỷ Nhân dân tệ (tương đương gần 18 triệu tỷ đồng) tính đến tháng 11/2024.

Trong khi đó, dòng tiền tự do của 59 nhà máy thép niêm yết đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015, còn tỷ lệ nợ/tài sản cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2017. Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ là nhóm chịu tác động nặng nề nhất, do phần lớn tập trung sản xuất thép xây dựng – lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự suy yếu của thị trường bất động sản.

Hết thời “tuồn hàng” giá rẻ

Việc dư thừa thép trong nước đã buộc các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác, thậm chí sẵn sàng bán phá giá. Động thái này vấp phải phản ứng gay gắt từ nhiều quốc gia và khu vực, với cáo buộc thép giá rẻ từ Trung Quốc đang bóp nghẹt ngành sản xuất nội địa.

Việt Nam và Hàn Quốc – hai thị trường xuất khẩu thép hàng đầu của Trung Quốc đã chính thức công bố áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép Trung Quốc kể từ tháng 2/2025.

Tại Việt Nam, ngày 21/2, Bộ Công Thương ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, với mức thuế dao động từ 19% đến 28%. Đến ngày 1/4, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép mạ từ Trung Quốc, với mức thuế lên tới 37,13% đối với một số doanh nghiệp cụ thể.

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump cũng đã ban hành mức thuế 25% đối với toàn bộ sản phẩm thép nhập khẩu, không ngoại trừ quốc gia nào. Dù Trung Quốc không phải là nhà xuất khẩu thép trực tiếp lớn nhất vào Mỹ, nhưng đòn thuế này được cho là nhằm ngăn chặn hiện tượng Trung Quốc “tuồn” thép sang các nước thứ 3 để từ đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong bối cảnh xuất khẩu gặp rào cản, tiêu thụ nội địa suy yếu, ngày 5/3 vừa qua, Reuters dẫn thông tin từ Chính phủ Trung Quốc cho biết nước này sẽ thúc đẩy tái cấu trúc ngành thép thông qua việc cắt giảm sản lượng. Báo cáo nêu rõ: “Chúng tôi sẽ đưa ra các chính sách và biện pháp để giải quyết các vấn đề cơ cấu trong các ngành công nghiệp chủ chốt, đồng thời chấm dứt tình trạng cạnh tranh theo kiểu chạy đua, thông qua việc điều chỉnh và nâng cấp ngành”.

Mặc dù chưa công bố quy mô cắt giảm cụ thể, nhưng thị trường đã xuất hiện đồn đoán rằng Bắc Kinh có thể giảm sản lượng thép thô khoảng 50 triệu tấn.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật