spot_img
24 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánHòa Phát (HPG) chính thức khai lò tại siêu dự án thép...

Hòa Phát (HPG) chính thức khai lò tại siêu dự án thép 85.000 tỷ đồng

Nhà máy thép Dung Quất 2 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) dự kiến đạt công suất tối đa vào năm 2028.

Ngày 5/12/2024, CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất – công ty con của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã chính thức khai lò thổi 300 tấn tại Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Buổi lễ có sự tham gia của các đối tác quốc tế hàng đầu như SMS Group, WISDRI và MINMETALS, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình vận hành thử nghiệm hệ thống sản xuất của dự án.

Dự án Dung Quất 2 có quy mô 280ha với tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng. Sản phẩm đầu ra của nhà máy này là thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao, phục vụ thép sản xuất ô tô, thép hàm lượng carbon thấp sản xuất các sản phẩm như vỏ đồ hộp, đồ gia dụng, kết cấu thép… với công suất 5,6 triệu tấn thép/năm.

Hòa Phát (HPG) chính thức khai lò tại siêu dự án thép 85.000 tỷ đồng
Hòa Phát (HPG) khai lò thổi 300 tấn của dự án Dung Quất 2

Trước đó, trong buổi chia sẻ tại webinar “Ngành thép và sức khỏe của Hòa Phát” diễn ra vào tháng 11 vừa qua, bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Hòa Phát cho biết dự án Dung Quất 2 sẽ bắt đầu sản xuất một phần nhỏ sản phẩm thương mại từ cuối năm 2024 và đóng góp đáng kể vào doanh thu từ năm 2025.

“Mất 4 năm để đạt công suất tối đa 5,6 triệu tấn, do đó sản lượng sẽ tăng dần theo nhu cầu thị trường, đồng thời đối mặt với áp lực tiêu thụ sản phẩm”, bà Oanh chia sẻ về lộ trình vận hành.

Theo kế hoạch, lò cao số 1 sẽ đi vào vận hành vào năm 2025 với 50% công suất, tương đương 1,4 triệu tấn thép. Đến năm 2026, lò cao số 2 sẽ bắt đầu hoạt động với 50% công suất, trong khi lò số 1 được nâng lên 80%. Nếu đúng tiến độ, đến năm 2028, toàn bộ hệ thống sẽ đạt công suất tối đa.

Theo ban lãnh đạo, xuất khẩu tiếp tục là chiến lược quan trọng, chiếm khoảng 30% doanh thu của Tập đoàn. Khi Dung Quất 2 hoạt động hết công suất, tỷ trọng xuất khẩu vẫn sẽ duy trì ở mức này, trong khi phần lớn sản lượng còn lại sẽ được tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu đầu ra, Hòa Phát còn phát triển hệ sinh thái nội bộ, bao gồm mở rộng năng lực sản xuất tại các nhà máy ống thép, tôn mạ, thép container và các sản phẩm điện máy, tạo giá trị gia tăng và thúc đẩy sức mạnh cạnh tranh.

Dự án Dung Quất 2 không chỉ là bước ngoặt về sản xuất thép mà còn khẳng định vị thế của Hòa Phát trên bản đồ ngành thép toàn cầu, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp thép Việt Nam vươn tầm quốc tế.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật