CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (HNX: VLA) vừa công bố tiến độ sử dụng 20 tỷ đồng nguồn vốn thu được từ đợt chào bán 2 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu vào tháng 12/2023.
Theo kế hoạch ban đầu, công ty sử dụng 10,8 tỷ đồng cho quảng cáo (chiếm 54%), 3,1 tỷ đồng trả nhân công và 6,1 tỷ đồng cho chi phí cơ sở vật chất và chi phí khác.
Đến ngày 4/12, VLA đã thực chi 13,3 tỷ đồng, bao gồm: 7,9 tỷ đồng chi phí quảng cáo; 2,3 tỷ đồng chi phí tổ chức lớp học, hội nghị; 2 tỷ đồng trả nhân công; phần còn lại dùng cho in ấn tài liệu, tiếp khách, thuế…
Phương án sử dụng vốn của VLA |
Mạnh tay “đốt” tiền cho quảng cáo để tìm học viên, VLA kinh doanh ra sao?
Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang tiền thân là công ty thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, được thành lập từ năm 2007.
Hiện nay, hoạt động chính của VLA là mở các khóa học dạy làm giàu, học phí từ học viên là nguồn thu chính của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thành Tiến và ông Đặng Trọng Khang là 2 cổ đông lớn tại đây khi lần lượt sở hữu 11,47% và 24,98% cổ phần. Đây cũng là 2 diễn giả thường xuyên xuất hiện trên các trang mạng xã hội để quảng bá về các khóa học đầu tư của mình.
Ảnh minh họa |
Trong 9 tháng của năm 2024, VLA ghi nhận doanh thu 4,9 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp là 2 tỷ đồng nhưng chi phí bán hàng 6,7 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 2 tỷ đồng. Từ đó, công ty lỗ sau thuế 6,4 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/9, quy mô tài sản là 46,9 tỷ đồng, trong đó có 18 tỷ đồng phải thu từ ông Trần Văn Thắng theo biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng đất. Trước đó, năm 2022, VLA có mua một khách sạn ở Quảng Ninh giá 18 tỷ đồng để làm văn phòng đại diện, đồng thời kinh doanh nhà hàng, khách sạn nhưng gặp vấn đề pháp lý. Dự án không thể sang tên về VLA, đồng thời hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Công ty phải thanh lý hợp đồng, thu hồi vốn và giải quyết các thủ tục bồi thường theo quy định.
Về nguồn vốn, nợ phải trả là 9,7 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn gần 8 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 37,2 tỷ đồng, trong đó lỗ lũy kế 2,7 tỷ đồng. Thời điểm 2015 – 2022, doanh nghiệp có lịch sử trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn 5% – 10%/năm.
Diễn biến cổ phiếu VLA |
Trên thị trường, phiên 16/12, thị giá VLA giao dịch quanh 9.900 đồng/cp, vốn hóa công ty đạt 40 tỷ đồng. Tính từ ngày đầu năm 2024, VLA đã mất 49% giá trị, trước đó, cổ phiếu này cũng giảm 34% trong năm 2023.