Từ khi đảm nhận vai trò Chủ tịch, bà Đặng Huỳnh Ức My đã thổi một luồng gió mới vào mảng nông nghiệp, biến đơn vị sản xuất mía đường truyền thống thành nhà cung cấp giải pháp nông nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trên toàn chuỗi giá trị – từ canh tác, chế biến đến phân phối và thương mại toàn cầu.
Chỉ trong vòng 6 tháng, AgriS đã thực hiện hàng loạt quyết sách chiến lược như tái cấu trúc đầu tư để tập trung vào ngành cốt lõi nông nghiệp, đặt nghiên cứu và phát triển (R&D) làm mũi nhọn để phát triển với hệ thống các trung tâm R&D đa quốc gia Việt Nam, Úc, Singapore và Indonesia.
Lấy mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm trên nền tảng công nghệ cao, AgriS mở rộng danh mục khai thác nông sản mía, dừa, chuối, lúa,… đẩy mạnh chế biến sâu và phát triển các sản phẩm FBMC (thực phẩm, đồ uống, sữa, bánh kẹo).

Chủ tịch AgriS Đặng Huỳnh Ức My chia sẻ tầm nhìn dài hạn và mục tiêu chiến lược của tập đoàn
Dấu ấn của bà My rõ nét nhất qua việc mở rộng hợp tác và đầu tư quốc tế. Điển hình là cú bắt tay giữa AgriS và Sungai Budi Group – tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Indonesia, mở ra cơ hội chuyển giao công nghệ và phát triển nông nghiệp bền vững tại Đông Nam Á.
Hay hợp tác với Đại học Công nghệ Nanyang – “top 15” đại học công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới, tham gia vào hệ sinh thái của Singapore Agri-Food Innovation Lab (SAIL).
Chuỗi hoạt động hợp tác quốc tế khẳng định vai trò dẫn dắt của AgriS trong việc thúc đẩy hình thành tam giác kinh tế Việt Nam – Singapore – Indonesia, kết nối chuỗi cung ứng nông nghiệp và giải bài toán an ninh lương thực trong khu vực lẫn toàn cầu.

Hệ sinh thái nông nghiệp AgriS khẳng định sự độc lập với TTC qua trụ sở hoạt động riêng
Với tốc độ và quy mô phát triển nhanh chóng, cùng mục tiêu bứt phá mạnh mẽ, nhu cầu về một không gian hiện đại phù hợp điều kiện vận hành của AgriS vượt xa khả năng đáp ứng của trụ sở TTC Group hiện tại, vốn được đưa vào hoạt động từ hơn 10 năm trước.
Khi mảng nông nghiệp lớn mạnh, “ngôi nhà” chung TTC Group không còn đủ không gian cho tầm vóc quốc tế ngày càng mở rộng của hệ sinh thái AgriS. Với hệ thống công nghệ vận hành thông minh tích hợp một trung tâm R&D nông nghiệp hiện đại, AgriS Building sẽ là hạ tầng ổn định giúp tập đoàn này tập trung vào các mục tiêu chuyên biệt, thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững.
Không lâu trước đó AgriS đã thoái vốn khỏi các công ty thuộc TTC Group, nay tiếp tục khai trương trụ sở mới – cho thấy một vị thế độc lập, hướng tới tầm nhìn dài hạn.

Trụ sở AgriS đạt chuẩn công trình xanh, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm hạn chế phát thải và phát triển bền vững
AgriS Building có 14 tầng nổi, 4 tầng hầm với diện tích hơn 11.200m2, đạt chứng nhận LEED Gold từ Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC), tích hợp trung tâm R&D chuyên sâu và một trung tâm hội nghị rộng 1.000m² làm nơi tổ chức sự kiện ESG, hội thảo xanh, kết nối cộng đồng và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Trụ sở này được xem là trung tâm đổi mới sáng tạo của nông nghiệp Việt Nam.
Toàn bộ công trình được vận hành thông minh nhờ hệ thống AI giám sát năng lượng, an ninh và môi trường theo thời gian thực, đảm bảo hiệu quả và bền vững, phản ánh triết lý kinh tế tuần hoàn và cam kết đạt Net Zero vào năm 2035 AgriS theo đuổi.
Bà My khẳng định, “chúng tôi tiến tới mục tiêu trở thành tâm điểm đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ của nông nghiệp Việt, nhằm xác lập vị thế vững mạnh tại Đông Nam Á và toàn cầu”.