spot_img
22 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánKhối ngoại bán ròng 1 tỷ USD cổ phiếu Việt Nam chỉ...

Khối ngoại bán ròng 1 tỷ USD cổ phiếu Việt Nam chỉ sau 3 tháng đầu năm

Số phiên nhà đầu tư ngoại giải ngân mua ròng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi áp lực “xả” hàng kéo dài với giá trị tương đối lớn.

Nhìn lại 3 tháng đầu năm 2025 của thị trường chứng khoán Việt Nam, một điều không thể bỏ qua là áp lực bán ròng của nhóm nhà đầu tư nước ngoài.

Quý đầu năm đã chứng kiến một giai đoạn “xả” hàng chưa từng có trong lịch sử. Số phiên nhà đầu tư ngoại giải ngân mua ròng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi áp lực “xả” hàng kéo dài với giá trị tương đối lớn . Lũy kế quý 1, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 25.940 tỷ đồng trên toàn thị trường, tương ứng hơn 1 tỷ USD chảy ra khỏi sàn chứng khoán Việt Nam.

Khối ngoại bán ròng 1 tỷ USD cổ phiếu Việt Nam chỉ sau 3 tháng đầu năm- Ảnh 1.

Đà bán ròng trong 3 tháng đầu năm tập trung vào cổ phiếu công nghệ FPT, giá trị vượt mức 6.800 tỷ đồng. Động thái này đẩy FPT “hở” hơn 97 triệu đơn vị, tương ứng 6,6%. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại cổ phiếu công nghệ này theo đó giảm xuống 42,38 %, thấp nhất trong nhiều năm qua. Đây cũng là quãng “hở” room dài nhất trong nhiều năm trở lại đây của cổ phiếu ông lớn ngành công nghệ này.

Ngay sau, cổ phiếu VNM ghi nhận bị bán ròng gần 2.200 tỷ từ đầu năm. Bên cạnh đó, các mã như TPB, STB, SSI, VIC, VCB ghi nhận giá trị bán ròng trên 1.200 tỷ trong vòng 3 tháng qua.

Ngược lại, cổ phiếu chứng khoán VCI dẫn đầu danh sách mua ròng của nhà đầu tư ngoại với giá trị 1.200 tỷ. Các mã khác cũn được khối ngoại giải ngân mua ròng như VIX (628 tỷ), GVR (607 tỷ), EIB (500 tỷ),…

Khối ngoại bán ròng 1 tỷ USD cổ phiếu Việt Nam chỉ sau 3 tháng đầu năm- Ảnh 2.

Thống kê trong 25 năm từ khi thị trường thành lập cho tới nay, đây là quý 1 có giá trị bán ròng cao nhất. Con số này cũng chỉ kém mức bán ròng gần 38.000 tỷ đồng xác lập trong quý 2/2024.

Thực tế, dòng vốn ngoại bắt đầu đảo ngược xu hướng từ năm 2020, cường độ “xả hàng” cũng trở nên áp đảo, kết quả triệt tiêu hoàn toàn đà mua ròng xuyên suốt 2 thập kỷ. Xu hướng bán ròng cũng cho thấy sự thận trọng nhất định của nhà đầu tư nước ngoài vào chứng khoán Việt Nam. Các yếu tố như chênh lệch lãi suất, áp lực tỷ giá cũng khiến dòng vốn đầu tư toàn cầu có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên trong đó có Việt Nam.

Cùng với đó, yếu tố nội tại của thị trường Việt Nam cũng ảnh hưởng tới hành động của nhóm nhà đầu tư ngoại. Thị trường vẫn thiếu hàng hoá chất lượng. Số lượng doanh nghiệp mới lên sàn rất ít, những cái tên thực sự đáng chú ý lại càng khan hiếm. Hoạt động đấu giá cũng diễn ra ảm đạm. Điều này làm thu hẹp lựa chọn của dòng vốn ngoại.

Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán SSI chỉ ra rằng NĐT thận trọng giải ngân vào quỹ cổ phiếu và tìm đến các tài sản khác như trái phiếu hay tiền tệ. Riêng tại thị trường Việt Nam, quy mô rút ròng tăng ở cả quỹ ETF lẫn quỹ chủ động. Đà bán mạnh đẩy tỷ trọng khối lượng NĐTNN sở hữu trên TTCK Việt Nam xuống mức chiếm 13,1%, mức thấp nhất từ năm 2015 đến nay. Cùng với sự suy yếu của DXY, SSI kỳ vọng áp lực bán ròng từ khối ngoại trong giai đoạn tới sẽ có thể hạn chế.

Khối ngoại bán ròng 1 tỷ USD cổ phiếu Việt Nam chỉ sau 3 tháng đầu năm- Ảnh 3.

Theo SSI, xu hướng thị trường vẫn được giữ vững và kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền mạnh hơn từ NĐT trong nước, đến từ việc dòng tiền luân chuyển nhanh giữa các nhóm ngành, định giá đang ở mức thấp. Cùng với định hướng tăng trưởng kinh tế mạnh của Chính phủ và các câu chuyện riêng, tiêu biểu như câu chuyện áp thuế phòng vệ đối với ngành thép, giải pháp tháo gỡ pháp lý đối với một số dự án bất động sản dân cư, kỳ vọng triển khai hệ thống KRX, hay Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng

SSI Research cho rằng các yếu tố tiếp tục thúc đẩy TTCK Việt Nam đi lên là định giá hấp dẫn, triển vọng nâng hạng và các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ. Kỳ vọng về việc NĐT nước ngoài quay lại thị trường Việt Nam trong năm 2025 sẽ đến từ câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell. Các chính sách bước đệm như triển khai hệ thống giao dịch KRX, việc áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi và Nghị định 155/2020 sửa đổi sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường vốn trong trung và dài hạn.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật