Năm 2024, thị trường IPO toàn cầu ghi nhận những chuyển biến đáng chú ý với tổng cộng 1.215 thương vụ được thực hiện, huy động hơn 121 tỷ USD. Mặc dù con số này giảm nhẹ so với năm 2023, sự phục hồi rõ rệt trong nửa cuối năm (đặc biệt là quý IV) mang đến những tín hiệu lạc quan cho thị trường vốn toàn cầu.
Hình minh họa |
Bức tranh IPO toàn cầu phân hóa
Xét theo khu vực, EMEIA (châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ và châu Phi) dẫn đầu với 522 thương vụ, huy động được 53,2 tỷ USD, phản ánh sức hút mạnh mẽ từ các thị trường mới nổi như Ấn Độ. Châu Mỹ cũng chứng kiến sự phục hồi đáng kể với 205 thương vụ IPO, huy động được 33,1 tỷ USD, đạt mức cao nhất kể từ năm 2021.
Ngược lại, châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục xu hướng suy giảm kể từ năm 2021. Với chỉ 35% tổng số thương vụ IPO toàn cầu và giá trị huy động giảm 51% so với năm trước, khu vực này đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm biến động tiền tệ, chi phí vốn cao và căng thẳng địa chính trị.
Tệ hơn, khu vực Đông Nam Á chạm đáy hoạt động IPO (thấp nhất trong 9 năm qua) với chỉ 122 thương vụ, huy động được 3 tỷ USD, giảm mạnh so với 163 thương vụ và 5,8 tỷ USD của năm 2023. Các thương vụ IPO lớn gần như vắng bóng, ảnh hưởng đến tổng giá trị huy động vốn của khu vực.
Tuy nhiên, Malaysia lại nổi lên như điểm sáng khi dẫn đầu Đông Nam Á ở cả ba chỉ số: Số lượng IPO, tổng giá trị huy động và vốn hóa thị trường. Số lượng thương vụ IPO tại Malaysia tăng từ 32 lên 46, trong khi các quốc gia khác ghi nhận sự sụt giảm đáng kể.
Tại Việt Nam, năm qua chỉ có duy nhất một thương vụ IPO từ CTCP Chứng khoán DNSE (Mã DSE – HoSE). Dù số lượng giảm mạnh so với 3 thương vụ năm 2023 và 8 thương vụ năm 2022, giá trị huy động của DNSE đạt 37 triệu USD, vượt qua tổng giá trị huy động IPO của cả thị trường Việt Nam trong năm 2023.
DNSE là thương vụ IPO duy nhất trong năm 2024 tại Việt Nam |
Chỉ một thương vụ IPO là không đủ sức hấp dẫn để giữ chân dòng tiền khối ngoại trên thị trường chứng khoán khi năm qua chứng kiến khối ngoại bán ròng tổng cộng 94.450 tỷ đồng (khoảng 3,7 tỷ USD), vượt qua kỷ lục 58.000 tỷ của năm 2021. Đây là mức bán ròng lớn nhất trong lịch sử 24 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bắt bệnh – kê đơn
Thị trường IPO tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố kinh tế và chính sách. Chính sách tiền tệ thắt chặt với lãi suất cao làm tăng chi phí vốn, khiến các doanh nghiệp trì hoãn kế hoạch IPO do lo ngại không đạt được mức định giá kỳ vọng. Căng thẳng địa chính trị và sự suy thoái kinh tế toàn cầu cũng khiến dòng vốn rời khỏi các thị trường tăng trưởng yếu hoặc cận biên, làm giảm thanh khoản và khả năng thành công của các thương vụ IPO.
Đặc biệt, tại Đông Nam Á, sự thiếu hụt các doanh nghiệp lớn có sức hút và khả năng huy động vốn quy mô lớn khiến thị trường kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Hơn nữa, tình trạng gian lận tài chính và thiếu minh bạch từ một số doanh nghiệp trước đây làm gia tăng sự thận trọng trong giới đầu tư.
Các yếu tố dài hạn như chuyển đổi số, AI và những yêu cầu ngày càng cao về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng đang định hình lại thị trường IPO toàn cầu. Những xu hướng này không chỉ tạo áp lực thay đổi cho các doanh nghiệp muốn IPO mà còn đặt ra kỳ vọng mới từ phía nhà đầu tư về sự minh bạch, tính bền vững và chiến lược dài hạn.
Dù 2024 là một năm trầm lắng, sự phục hồi mạnh mẽ trong quý IV và những bài học từ sự phân hóa khu vực mang đến nhiều triển vọng cho năm 2025. Theo dự báo từ EY, chính sách tiền tệ ngày càng thuận lợi, thanh khoản dồi dào hơn và định giá cải thiện có thể tạo ra cú hích lớn cho thị trường IPO trong thời gian tới.
George Chan, lãnh đạo IPO toàn cầu của EY, nhận định: “Quá trình chuyển đổi doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn và IPO chính là một kênh huy động hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới. Sau một thời gian hoạt động chậm lại, thị trường IPO toàn cầu đang lấy lại đà tăng trưởng nhờ điều kiện thị trường thuận lợi hơn”.
Riêng tại Việt Nam, dù còn nhiều khó khăn, thị trường IPO vẫn mang trong mình những tiềm năng lớn nếu có sự cải thiện về minh bạch, thúc đẩy niêm yết mới và tăng cường room ngoại cho các doanh nghiệp tiềm năng. Với sự hỗ trợ từ Chính phủ và sự thay đổi tích cực từ doanh nghiệp, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tạo nên những dấu ấn mới, khẳng định vị thế trong khu vực.