spot_img
24 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánKinh tế Mỹ ra sao nếu bà Harris đắc cử

Kinh tế Mỹ ra sao nếu bà Harris đắc cử

Chính sách của bà Harris có thể giúp tăng nguồn cung nhà và giảm giá thực phẩm, nhưng cũng sẽ khiến môi trường kinh doanh tại Mỹ kém hấp dẫn.

Trong chiến dịch tranh cử, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris xây dựng hình ảnh là người bảo vệ tầng lớp trung lưu. Bà nhấn mạnh rằng các chính sách kinh tế của mình sẽ giúp cuộc sống của người dân dễ chịu hơn, trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng đang là mối quan tâm của cử tri.

Các đề xuất chính sách của bà gồm cấm hành vi tăng giá quá mức, giảm chi phí y tế, giúp giá nhà nằm trong tầm với của người dân và sửa đổi các chính sách giảm thuế mạnh tay từ thời cựu Tổng thống Donald Trump mà các nhà kinh tế học cho rằng chỉ làm lợi cho các tập đoàn và người giàu. “Chúng ta sẽ tạo ra một nền kinh tế của cơ hội – nơi mọi người đều có cơ hội cạnh tranh và thành công”, bà nói.

Trump thì cho rằng các chính sách của Harris quá cực đoan. Một số nhà kinh tế học cũng lo ngại các đề xuất của bà có thể gây gián đoạn thị trường lao động và tạo ra môi trường bất ổn với các doanh nghiệp.

Theo Time, dưới đây sẽ là bức tranh kinh tế Mỹ nếu bà Harris trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước này.

Nhiều nhà được xây mới hơn

  • Phó tổng thống Kamala Harris tại Wilmington, bang Delaware ngày 22/7. Ảnh: AP

Lãi suất ở mức cao đang khiến người Mỹ ngần ngại mua nhà. Nguồn cung nhà trên thị trường thứ cấp cũng khan hiếm, khi chủ ngại bán vì đang được hưởng mức lãi suất cũ dễ chịu hơn.

Harris đã đề xuất hỗ trợ 25.000 USD tiền trả trước cho khoảng 400.000 người mua nhà lần đầu. Số này gấp 2,5 lần so với đề xuất giảm trừ thuế (10.000 USD) mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra trong Thông điệp Liên bang hồi tháng 3. “Kế hoạch này sẽ giúp được khoảng 1 triệu người mỗi năm”, chiến dịch của Harris cho biết.

Bà cũng sẽ đề xuất lập một quỹ đổi mới trị giá 40 tỷ USD. Quỹ này giúp chính quyền địa phương cấp tài chính cho các giải pháp về xây nhà và hỗ trợ phương pháp “sáng tạo” trong cấp vốn xây dựng. Một số khu đất liên bang đủ điều kiện cũng được tái thiết cho các dự án nhà ở mới.

Chiến dịch của Harris cho biết 3 triệu căn dự kiến được xây mới trong 4 năm. Bà cũng lên kế hoạch ngăn các nhà đầu tư Phố Wall mua bất động sản hàng loạt và hỗ trợ thuế lên tới 10.000 USD cho người mua nhà lần đầu. Ủy ban Ngân sách liên bang Mỹ (CRFB) – một tổ chức phi lợi nhuận – ước tính rằng chính sách ưu đãi thuế này sẽ làm tăng thâm hụt liên bang ít nhất 100 tỷ USD trong 10 năm.

Một số nhà kinh tế cũng lo ngại kế hoạch của bà sẽ làm tăng nhu cầu trước khi nguồn cung có thể bắt kịp, từ đó tạo thêm áp lực lên giá cả. “Tôi nghĩ nó sẽ mang lại lợi ích cho các chủ nhà hơn là người mua nhà”, Carl Schramm – Giáo sư kinh tế tại Đại học Syracuse – cho biết.

Chi phí y tế giảm

Chính quyền của bà Harris có thể tiếp nối nỗ lực giảm chi phí chăm sóc sức khỏe đang được chính quyền Biden thực hiện. Ngoài ra, bà đề xuất thêm một số biện pháp nhằm giúp người Mỹ tiết kiệm chi phí điều trị, như mở rộng quyền đàm phán giá thuốc của chính phủ, tăng hỗ trợ thuế để bù đắp phí bảo hiểm và mở rộng quyền lợi chăm sóc người cao tuổi tại nhà.

Mỹ hiện áp dụng mức trần chi phí mà người bệnh phải tự trả cho insulin là 35 USD mỗi tháng và thuốc kê đơn là 2.000 USD một năm. Chính sách này hiện chỉ dành cho người cao tuổi. Harris đề xuất áp dụng với toàn bộ người Mỹ.

Bên cạnh đó, theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà Tổng thống Biden thông qua năm ngoái, chính phủ có thể đàm phán giá trực tiếp với các nhà sản xuất thuốc. Harris đã cam kết đẩy nhanh các cuộc đàm phán đó để chi phí của nhiều loại thuốc giảm nhanh hơn. Chính quyền Biden gần đây đã công bố vòng đàm phán đầu tiên, dự kiến tiết kiệm 6 tỷ USD. Harris cho biết sẽ sử dụng một phần khoản tiết kiệm đó để thành lập một chương trình “Medicare tại nhà”.

Người giàu và doanh nghiệp lớn sẽ bị tăng thuế

Chính sách cắt giảm thuế từ thời Trump dự kiến hết hiệu lực đầu năm tới. Vì vậy, Tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách thuế.

Harris kêu gọi chỉ gia hạn một phần chính sách giảm thuế mà Trump thông qua từ năm 2017. Bà cũng cam kết không điều chỉnh thuế thu nhập với những người kiếm được dưới 400.000 USD một năm, đồng thời thúc giục Quốc hội rút lại chính sách giảm thuế cho nhóm giàu nhất và tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%. Bà cũng muốn giảm thuế cho người lao động nuôi con nhỏ và doanh nghiệp nhỏ.

CRFB ước tính việc tăng thuế doanh nghiệp sẽ mang lại cho Mỹ khoảng 1.400 tỷ USD trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cảnh báo thuế doanh nghiệp thấp là cần thiết để giữ sự cạnh tranh cho kinh tế Mỹ và thu hút các công ty đa quốc gia.

Harris cũng đã đề xuất tăng thuế thặng dư vốn từ 20% lên 28% với người có thu nhập trên 1 triệu USD. Bà đồng thời sẽ áp thuế tài sản với những người có tài sản ròng ít nhất 100 triệu USD. Harris có thể sử dụng nguồn thu từ tăng thuế để chi trả cho các chính sách như hỗ trợ thuế cho các gia đình mới sinh con.

Andrew Lautz – Giám đốc chương trình chính sách kinh tế của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng – nhận xét kế hoạch thuế của Harris là “tiến bộ về bản chất” và sẽ mang lại “lợi ích lớn hơn cho các gia đình có thu nhập thấp và trung bình”.

Lương tối thiểu được nâng lên

  • Phó tổng thống Kamala Harris tại Wilmington, bang Delaware ngày 22/7. Ảnh: AP
  • Nhân viên làm việc trong một siêu thị của Walmart tại New Jersey (Mỹ). Ảnh: Reuters

Phát biểu trước báo giới ngày 21/10, Phó tổng thống Mỹ mô tả mức lương tối thiểu hiện tại là “lương nghèo” và cần được tăng lên. Dù vậy, bà không đưa ra con số chi tiết. Lương tối thiểu ở Mỹ là 7,25 USD một giờ.

Dù vậy, tác động của chính sách này vẫn còn là chủ đề tranh cãi. Một nghiên cứu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) công bố tháng 12/2023 cho thấy việc tăng lương tối thiểu liên bang lên 17 USD một giờ vào tháng 7/2029 có thể giúp tăng thu nhập cho hơn 18 triệu người. Tuy nhiên, 700.000 người Mỹ có thể mất việc làm. Một báo cáo khác của CBO cũng chỉ ra việc tăng lương tối thiểu có thể khiến Mỹ thâm hụt thêm khoảng 50 tỷ USD trong một thập kỷ.

Giá cả khó tăng mạnh

Để ngăn giá cả cao, Harris đề xuất cấm các nhà cung cấp thực phẩm và cửa hàng tạp hóa tăng giá quá mức. Chiến dịch của Harris chưa công bố chi tiết về cách thức làm việc này và vẫn cần Quốc hội thông qua để trở thành luật. Hàng chục bang đã có luật cấm tăng giá quá mức, nhưng hiện tại chưa có luật liên bang nào quy định điều này.

Tuy nhiên, chính sách trên vấp phải sự phản đối của đảng Cộng hòa và nhiều nhà kinh tế. Jason Furman, một nhà kinh tế hàng đầu trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết trên New York Times rằng lệnh cấm tăng giá quá mức có thể dẫn đến thiếu hụt hàng hóa. Vì doanh nghiệp sẽ ít có động lực để tham gia thị trường, đặc biệt nếu biên lợi nhuận của họ bị giảm. “Đây không phải là chính sách hợp lý. Tôi hy vọng nó không trở thành hiện thực”, Furman nói.

Nguyên nhân của lạm phát thực phẩm rất phức tạp. Một số chuyên gia nói rằng việc tăng giá quá mức chỉ là một yếu tố. Chi phí năng lượng cao, chi phí lao động tăng tại các nhà sản xuất, thời tiết cực đoan và nhiều yếu tố khác cũng góp phần vào tình trạng này.

Thuế nhập khẩu không tăng trên diện rộng

Về vấn đề thương mại, Harris thể hiện quan điểm khác với Trump. Dù vẫn công nhận sự cần thiết của chính sách bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước cạnh tranh từ nước ngoài, bà chỉ trích chính sách nâng thuế nhập khẩu mạnh tay của Trump. Harris cho biết thuế này có thể khiến các gia đình trung lưu mất hàng nghìn USD mỗi năm.

Robert Lawrence – Giáo sư thương mại và đầu tư tại Đại học Harvard – cho rằng Harris có thể tiếp nối chính sách áp thuế có mục tiêu của ông Biden. Dù vậy, kế hoạch của bà vẫn chưa rõ ràng. “Đến nay, bà ấy vẫn tránh cam kết rằng mình sẽ chỉ kế thừa cách tiếp cận của Biden”, ông nói.

Hà Thu (theo Time, Reuters)

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật