spot_img
18 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánKinh tế trưởng SSI: Thuế đối ứng Mỹ áp với Việt Nam...

Kinh tế trưởng SSI: Thuế đối ứng Mỹ áp với Việt Nam có thể thấp hơn nhiều mức 46%

Theo đánh giá của Kinh tế trưởng SSI, trong báo cáo 400 trang USDR công bố trước đó, đa số vấn đề phía Mỹ đánh giá chính sách thương mại của Việt Nam đều đã được xử lý khá nhiều.

Rạng sáng 3/4 (giờ Việt Nam), Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố thuế quan đối ứng ở mức ít nhất 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có hàng chục quốc gia phải chịu thuế suất cao hơn.

Danh sách các nền kinh tế phải chịu thuế đối ứng cao hơn bao gồm những đối tác thương mại thuộc hàng lớn nhất của Mỹ như Việt Nam (46%), Trung Quốc (34%), Nhật Bản (24%), và EU (20%).

Việc thực hiện bao gồm 2 đợt: 10% cho thuế quan cơ bản vào ngày 5/4, sau đó là mức thuế riêng cho từng quốc gia vào ngày 9/4.

Kinh tế trưởng SSI: Thuế đối ứng Mỹ áp với Việt Nam có thể thấp hơn nhiều mức 46%- Ảnh 1.

Đánh giá về tác động của chính sách thuế quan này đến Việt Nam, ông Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng kiêm GĐ SSI Research cho rằng, danh sách các nước bị ảnh hưởng không bất ngờ bởi trước đó đại diện thương mại Mỹ đã gửi báo cáo đánh giá về chính sách thương mại, rào cản thương mại cũng như phi thuế quan… của gần 60 quốc gia. Nhà đầu tư cũng đã hình dung được số quốc gia bị ảnh hưởng là tương đối nhiều.

Tuy nhiên, điểm bất ngờ là việc tính toán ra con số rất cao. Ông Hưng đánh giá, nếu chỉ nhìn vào những con số này, ảnh hưởng đến Việt Nam là rất lớn, có thể khoảng 7% GDP. Chính sách thuế này không chỉ ảnh hưởng đến riêng Việt Nam hay 60 quốc gia trong danh sách mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Việc suy thoái kinh tế thế giới là khó tránh khỏi. Mức độ ảnh hưởng sẽ lớn hơn, có thể so sánh với các đợt suy thoái trong quá khứ hay như giai đoạn đại dịch Covid-19.

Ở góc nhìn lạc quan, Ông Hưng cho rằng, mức thuế mà ông Trump đưa ra có thể hiểu là mức trần để các quốc gia bắt đầu đàm phán. Điều này có nghĩa là các mức thuế không phải là mãi mãi và có thể giảm xuống rất nhanh. Việt Nam đã làm được rất nhiều việc trong thời gian vừa qua để thể hiện thiện chí với Mỹ trong việc xử lý mối quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia, như giảm thuế với 14 mặt hàng, chấp thuận đầu tư cho Starlink,…

Đặc biệt, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Công thương Việt Nam đến Mỹ, ngay lập tức ngày 1/4 đã có bản dự thảo về Nghị định liên quan đến Kiểm soát thương mại chiến lược. Văn bản thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ trong các hoạt động thương mại và đầu tư. Đây là một hành động mạnh từ phía Việt Nam thể hiện cam kết trong mối quan hệ thương mại.

Theo đánh giá của Kinh tế trưởng SSI, trong báo cáo 400 trang USDR công bố trước đó, đa số vấn đề phía Mỹ đánh giá chính sách thương mại của Việt Nam đều đã được xử lý khá nhiều. Các chính sách đang được điều chỉnh và triển khai nhanh. Trong kịch bản cơ sở của bộ phận phân tích này, sẽ không có chuyện mức thuế này kéo dài hàng năm.

Ông Hưng cho rằng, ảnh hưởng ngắn hạn là có nhưng đàn phán giữa 2 quốc gia sẽ dẫn đến mức thuế áp dụng với Việt Nam sẽ không phải là 46% mà sẽ thấp hơn, thậm chí có thể chỉ còn 10%. Khi đó, ảnh hưởng của chính sách thuế quan này đến Việt Nam sẽ thấp. “Thậm chí, giống như mọi cuộc chiến thương mại khác, Việt Nam cuối cùng có thể hưởng lợi” , Kinh tế trưởng SSI nhận định.

Điều quan trọng là những cam kết liên quan đến chuyển tải hàng hoá, những hàng hoá lẩn tránh mức thuế cao, đi sang Việt Nam sau đó tái xuất sang Mỹ. Ông Hưng cho rằng Việt Nam sẽ xử lý mạnh tay tình trạng này thời gian tới và kịch bản tệ nhất khó có thể xảy ra. Các hành động tiếp theo từ phía Chính phủ sẽ mạnh hơn, không thể để ảnh hưởng kéo dài.

Kinh tế trưởng SSI cho biết, qua trao đổi, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá rủi ro về thuế quan là lớn nhất đối với họ ở Việt Nam. Họ vẫn đang chờ các rủi ro này thể hiện và thực tế đang thể hiện mức xấu nhất. Khi đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể xem xét lại hoạt động đầu tư ở Việt Nam. Các nhóm ngành nào có thể có định giá hấp dẫn hơn trước và có thể giải ngân được. Khi tin xấu nhất ra có thể là điểm xem xét lại vị thế đầu tư ở Việt Nam sau khi đã bán ròng rất mạnh những năm gần đây.

Ông Hưng cho rằng, định giá của thị trường Việt Nam hiện chỉ bằng một nửa so với thời điểm cuộc chiến thương mại lần đầu năm 2018 khi P/E VN-Index ở mức 23-24. Vì thế, áp lực buộc phải bán ra không quá mạnh. Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam vẫn là thị trường của các nhà đầu tư cá nhân với tỷ lệ giao dịch trên 90% và yếu tố tâm lý có ảnh hưởng rất lớn.

“Trên quan điểm của các nhà đầu tư dài hạn, những sự kiện như này là thời điểm để đánh giá lại vị thế đầu tư tại Việt Nam và đôi khi theo chiều hướng tốt” , ông Hưng nhận định. Bên cạnh đó, ngày 9/4 áp dụng thuế cũng là thời điểm FTSE Russell đưa đánh giá Việt Nam. Kinh tế trưởng SSI kỳ vọng câu chuyện ở thời điểm đó sẽ khác hiện tại.

Cũng đánh giá về tác động của chính sách thuế quan của Mỹ đến Việt Nam, Chứng khoán MBKE cho rằng việc Hoa Kỳ áp đặt mức thuế quan đối ứng lên tới 46% dự kiến sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent, mức thuế này có thể được điều chỉnh thông qua đàm phán.

Chính phủ Việt Nam cũng đã thể hiện sự hợp tác và chủ động trong việc giải quyết các quan ngại của Hoa Kỳ, bao gồm việc gần đây giảm thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng chiến lược như ô tô, gỗ, khí hóa lỏng LNG và nông sản. Bên cạnh đó, để thúc đẩy đàm phán, các biện pháp có thể được xem xét bao gồm tăng cường mua hàng hóa Mỹ, giảm thuế quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Việt Nam, mở cửa thị trường nông sản Mỹ.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật