spot_img
35 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánKIS Research: Bán lẻ có miễn nhiễm trước bão thuế quan?

KIS Research: Bán lẻ có miễn nhiễm trước bão thuế quan?

Nhu cầu tiêu dùng yếu có thể kéo dài nếu các chính sách thuế quan có tác động tiêu cực lên kinh tế Việt Nam. Các sản phẩm không thiết yếu sẽ bị tác động nhiều hơn các sản phẩm thiết yếu do tính chất có thể bị “trì hoãn” khi mua sắm.

Nhu cầu tiêu dùng yếu có thể kéo dài

Trong quý 1 năm 2025, Chứng khoán KIS nhận thấy nhu cầu tiêu dùng đã tiếp tục cải thiện so với quý trước nhưng vẫn ở mức yếu so với mức trước Covid-19 hoặc năm 2022. Điều này có được là nhờ vào các yếu tố tích cực của vĩ mô như tăng trưởng GDP (+6.9% so với cùng kỳ) được thúc đẩy bởi tăng trưởng xuất khẩu (+10.6% so với cùng kỳ) kéo thu nhập và sức mua của người tiêu dùng cũng tăng theo. Từ đó, các chuỗi bán lẻ điện tử – điện máy cũng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu tích cực trong quý 1 năm 2025.

Tuy nhiên, đối với phần còn lại của năm 2025, KIS cho rằng nhu cầu tiêu dùng có thể sẽ vẫn tiếp tục duy trì ở mức yếu hoặc có thể sẽ còn yếu hơn hiện tại nếu các chính sách thuế quan có tác động tiêu cực lên kinh tế Việt Nam. (1) Mong muốn chi tiêu có thể sẽ thấp hơn khi niềm tin của người tiêu dùng giảm do sự bất định về tương lai. (2) Khả năng chi tiêu cũng có thể giảm khi hoạt động sản xuất công nghiệp chậm lại do nhu cầu xuất khẩu thấp hơn kéo theo thu nhập của người tiêu dùng giảm.

Hàng không thiết yếu – Điện tử, điện máy và trang sức bán lẻ bị tác động nhiều nhất

Các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu như điện tử – điện máy và trang sức bán lẻ sẽ bị tác động nhiều nhất khi nhu cầu tiêu dùng yếu do đây thường là các sản phẩm có giá trị cao và có thể bị “trì hoãn” khi mua sắm (không nhất thiết phải mua ngay lập tức).

KIS Research: Bán lẻ có miễn nhiễm trước bão thuế quan?- Ảnh 1.

Hình 1: Cuộc chiến thuế quan có thể làm cho giá thành đắt hơn, khiến các công ty công nghệ như Apple và Samsung cũng sẽ điều chỉnh giá bán.

Đối với bán lẻ điện tử – điện máy, Chứng khoán KIS cho rằng tốc độ phục hồi doanh thu và lợi nhuận của các chuỗi như Thế giới di động, Điện máy xanh và FPT Shop có thể sẽ chậm lại. Cuộc chiến thuế quan có thể làm cho giá thành sản xuất đắt hơn từ đó làm cho các công ty công nghệ như Apple và Samsung cũng sẽ điều chỉnh giá bán. Ngoài ra, khi cầu tiêu dùng yếu và giá các sản phẩm tăng, khả năng các nhà bán lẻ sẽ giảm mức chiết khấu (từ đó làm giảm biên gộp) để hỗ trợ sức mua tiêu dùng.

Theo KIS, đối với trang sức bán lẻ như PNJ và Doji sẽ gặp khó khăn trong cả hai đầu sản xuất và tiêu thụ. Việc giá vàng liên tục lập đỉnh làm cho trang sức bán lẻ cũng đắt hơn từ đó làm giảm nhu cầu cho các mặt hàng này nhất là xét trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng vẫn còn đang yếu. Ngoài ra, giá vàng tăng cao cũng làm việc thiếu hụt nguồn vàng nguyên liệu thêm trầm trọng do người dân có xu hướng giữ vàng không bán ra (khi kỳ vọng giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng).

KIS Research: Bán lẻ có miễn nhiễm trước bão thuế quan?- Ảnh 2.

Hình 2: Tăng trưởng doanh thu của các chuỗi bán lẻ điện tử – điện máy gắn liền với điều kiện kinh tế vĩ mô. (Nguồn: Công ty, KIS Research)

Hàng thiết yếu – Bán lẻ tạp hóa và dược phẩm sẽ bị ảnh hưởng ít hơn

Đối với bán lẻ tạp hóa, Chứng khoán KIS cho rằng các chuỗi như Bách hóa xanh và Winmart+ vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong phần còn lại của năm 2025. Cụ thể, động lực tăng trưởng doanh thu sẽ đến từ việc mở rộng cửa hàng mới sau quá trình tái cấu trúc. Trong quý 1 năm 2025, Bách hóa xanh đã mở khoảng 200 cửa hàng (kế hoạch năm 2025 là 200 – 400 cửa hàng). Tuy nhiên, KIS nhận thấy tốc độ này có khả năng sẽ chậm lại trong các quý sau nếu người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Đối với bán lẻ dược phẩm, các chuỗi như Long Châu, An Khang và Pharmacity vẫn sẽ tiếp tục có sự phân hóa trong việc mở rộng và sinh lợi. Cụ thể, Long Châu vẫn sẽ là đầu tàu dẫn dắt khi tiếp tục mở rộng với khoảng 75-100 nhà thuốc và 15 trung tâm tiêm chủng mỗi quý. Ngược lại, Pharmacity sẽ mở rộng ở mức khiêm tốn hơn trong khi An Khang khả năng sẽ giữ nguyên số lượng cửa hàng để tập trung vào mục tiêu đạt được điểm hòa vốn.

Ngắn hạn thách thức nhưng dài hạn vẫn rất lạc quan

Theo Chứng khoán KIS, bỏ qua các tác động ngắn hạn của thuế quan, ngành bán lẻ vẫn còn rất nhiều tìm năng để phát triển trong dài hạn. Trong 3 – 5 năm tới, thu nhập của người tiêu dùng vẫn sẽ tiếp tục tăng theo đà tăng trưởng kinh tế từ đó kéo theo chi tiêu cho các sản phẩm bán lẻ đặc biệt là ở nhóm người trẻ tại các đô thị lớn. Các yếu tố như tăng trưởng GDP, cơ cấu dân số trẻ và quá trình đô thị hóa đều thuộc về nội tại và nội lực của Việt Nam và sẽ rất khó để có thể bị thay đổi chỉ trong một vài năm.

Trong đó, bán lẻ bách hóa (đặt biệt là siêu thị mini) cho thấy tiềm năng hấp dẫn khi đây là miếng bánh lớn nhất trong tổng ngành hàng bán lẻ (chiếm 50% giá trị) và trong đó tỷ trọng kênh hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, …) hiện chỉ chiếm hơn 12%. So với các quốc gia như Thái Lan hay Ma-lay-si-a con số này xấp xỉ 50%. Khi thu nhập tăng, người tiêu dùng sẽ ngày càng chuyển sang các kênh hiện đại từ chợ truyền thống do sự tiện lợi, tương tự xu hướng đã thấy ở các nước phát triển hơn.

KIS Research: Bán lẻ có miễn nhiễm trước bão thuế quan?- Ảnh 3.

Hình 3: Người tiêu dùng có xu hướng đi siêu thị khi thu nhập tăng do sự tiện lợi (Nguồn: Euromonitor, KIS Research)

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật