spot_img
22 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng Khoán“Kỳ lân công nghệ” VNG (VNZ) báo lỗ gần 600 tỷ đồng...

“Kỳ lân công nghệ” VNG (VNZ) báo lỗ gần 600 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm

Ghi nhận lợi nhuận gộp đem về 2.462 tỷ đồng, nhưng chi phí vận hành tiếp tục trở thành “gánh nặng”, khiến “kỳ lân công nghệ” VNG (VNZ) báo lỗ gần 600 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

CTCP VNG (UPCoM: VNZ) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2024 và lũy kế 9 tháng đầu năm.

Theo đó, trong quý 3/2024, VNG báo lỗ sau thuế 11 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 649 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chính đến từ việc, trong quý vừa qua, VNG ghi nhận lợi nhuận gộp tăng hơn 450 tỷ đồng, tương ứng tăng 90,15% và chi phí bán hàng giảm gần 215 tỷ đồng, tương ứng giảm 29,84%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, “kỳ lân công nghệ” VNG báo lỗ sau thuế 596,8 tỷ đồng, giảm hơn 2/3 so với cùng kỳ năm 2023 (lỗ 1.854 tỷ đồng).

Trong đó, doanh thu thuần đem về 6.892 tỷ đồng, tăng 30,74%. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp tăng 60,44% lên 2.462 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Doanh thu từ hoạt động tài chính đem về 120 tỷ đồng, tăng 70%; Phần lỗ trong công ty liên kết là 75,5 tỷ đồng, giảm 71,08%; Lợi nhuận khác báo lỗ 31 tỷ đồng, con số này ở cùng kỳ là lỗ 7,2 tỷ đồng.

Các chi phí của “kỳ lân công nghệ” VNG đều được tiết giảm trong 9 tháng đầu năm, như: Chi phí tài chính giảm 7,88%, xuống 132,8 tỷ đồng; Chi phí bán hàng giảm 15%, xuống 1.543 tỷ đồng và Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 11,83% xuống 958 tỷ đồng.

Dù đã tiết giảm nhưng có thể thấy, các khoản chi phí đang thực sự là “gánh nặng” của công ty “kỳ lân công nghệ” này.

Tính đến thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của VNG là 10.441 tỷ đồng, tăng 8,83% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 4.628 tỷ đồng, giảm 15,7%. Chủ yếu đến từ việc, Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 20,4% xuống 3.054 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 800 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của VNG là 8.687 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 28.05%. Nợ ngắn hạn là 6.166 tỷ đồng, tăng 15,01%. Trong đó, nợ và nợ thuê tài chính (cả ngắn và dài hạn) là 2.228 tỷ đồng.

“Kỳ lân công nghệ” VNG (VNZ) báo lỗ gần 600 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm- Ảnh 1.

Cổ phiếu VNZ liên tục điều chỉnh mạnh theo hướng sụt giảm kể từ thời điểm cuối năm 2023. (Nguồn: Cafef)

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 01/11, giá cổ phiếu VNZ ở mức 401.500 đồng/cổ phiếu, tăng 0,05% so với phiên giao dịch trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt 1.292 đơn vị.

Vào thời điểm đầu năm 2023, cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với giá 240.000 đồng/cổ phiếu. Những phiên sau đó thị giá cổ phiếu “kỳ lân công nghệ” này liên tục tăng phi mã, lên mức giá kỷ lục 1.434.700 đồng/cổ phiếu, chỉ sau chưa đầy 1,5 tháng sau khi lên sàn.

Tuy nhiên, sau đó thị giá cổ phiếu VNZ liên tục biến động mạnh theo hướng đi xuống ở mức 650.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm cuối năm 2023.

Từ đầu năm tới nay, thị giá cổ phiếu VNZ cũng liên tục biến động theo hướng đi xuống.

Đỉnh điểm là vào đầu tháng 9 vừa qua, sau khi xuất hiện thông tin “ Ngay trong đêm, “Kỳ lân công nghệ” VNG bổ nhiệm một Phó Tổng giám đốc nắm quyền Tổng giám đốc” giá cổ phiếu VNZ đã rơi tự do, xuống vùng giá thấp nhất kể từ đầu năm tới nay.

“Kỳ lân công nghệ” VNG (VNZ) báo lỗ gần 600 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm- Ảnh 2.

Ông Lê Hồng Minh. (Nguồn: VNG)

Dù sau đó, thông tin ông Lê Hồng Minh vẫn là CEO VNG đẩy cổ phiếu VNZ “thăng hoa”, nhưng hiện giá cổ phiếu VNZ vẫn nằm ở vùng giá thấp nhất kể từ đầu năm tới nay. Cùng với đó, thị giá đã “bốc hơi” hơn 2/3 so với đỉnh giá cao nhất lịch sử được thiết lập ở thời điểm đầu năm 2023.

“Kỳ lân công nghệ” VNG

Công ty CP VNG được thành lập năm 2004 và hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi trực tuyến. Đặc biệt, doanh nghiệp này được biết đến là một “kỳ lân công nghệ” của Việt Nam và là một trong những nhà phát hành sản phẩm công nghệ trực tuyến hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Hiện, VNG vẫn là đơn vị kinh doanh trò chơi điện tử, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng lớn ở Việt Nam. Ngoài ra, “kỳ lân công nghệ” này còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực công nghệ khác như lập trình máy vi tính, sản xuất phần mềm, quảng cáo thương mại…

Đặc biệt, VNG cũng là chủ của Zalo – ứng dụng nhắn tin, gọi điện phổ biến nhất ở nước ta hiện nay.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật