Lợi nhuận nghìn tỷ đồng
Agribank là ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả hoạt động kinh doanh năm 2024 với nhiều con số được đánh giá là tốt nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Đến 31/12/2024, tổng tài sản của Agribank đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 200.000 tỷ đồng (10%). Huy động vốn vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng trên 140.000 tỷ đồng (7,5%). Dư nợ tín dụng đạt trên 1,72 triệu tỷ đồng, tăng trên 170.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,56%. Vốn chủ sở hữu đạt 126.000 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ 51.600 tỷ đồng.
Agribank cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng trên 8% so với năm 2023. Năm 2023, ngân hàng này đạt 25.525 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế riêng lẻ. Như vậy, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ trong năm 2024 của Agribank đạt khoảng 27.567 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Agribank xử lý được gần 138.000 tỷ đồng nợ xấu giai đoạn 2021-2024, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2025 xuống dưới 1% và hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu; nợ bán cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý về dưới mức 3% vào cuối năm 2025.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng đã có kết quả kinh doanh năm 2024 với những tín hiệu tích cực.
Năm 2024, NCB bắt đầu hành trình tái cơ cấu với việc trở thành tổ chức tín dụng đầu tiên hoàn thành việc xây dựng và được phê duyệt Phương án cơ cấu lại (PACCL) theo “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.
Theo đó, nhà băng này đã tích cực thu hồi xử lý tài sản tồn đọng, đạt 130% mục tiêu tại PACCL; hoàn thành việc trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu ngay sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ lên gần 11.800 tỷ đồng vào tháng 12 vừa qua.
Hoạt động kinh doanh phát triển mới của NCB trong 2024 đạt kết quả rất đáng ghi nhận với tổng thu nhập hoạt động thuần sau dự phòng rủi ro từ hoạt động kinh doanh mới là 2.968 tỷ đồng. Sau khi trừ đi toàn bộ chi phí hoạt động, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh mới đạt 1.339 tỷ đồng.
Tính đến hết 31/12/2024, NCB đã hoàn thành vượt mức mục tiêu đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức hồi tháng 4/2024. Trong đó, tổng tài sản đạt 118.562 tỷ đồng, tăng 23,2% so với 2023 và vượt 12% so với kế hoạch. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 71.175 tỷ đồng, tổng huy động vốn thị trường 1 đạt 100.491 tỷ đồng, vượt lần lượt 10,6% và 16,8% so với kế hoạch.
Trước đó, loạt công ty phân tích thị trường cũng đưa ra dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2024 ở mức từ 14-15%. Trong đó, nhiều nhà băng được dự báo lợi nhuận ấn tượng lên đến hàng trăm phần trăm như OCB, TPBank.
Riêng với nhóm ngân hàng quốc doanh, dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), năm 2024, Vietcombank sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 10%; BIDV đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 13,8%, VietinBank tăng trưởng lợi nhuận 12,4%.
VCBS dự báo, lợi nhuận chung toàn ngành ngân hàng năm 2024 tăng hơn 16%. Nhóm ngân hàng quốc doanh tăng trưởng lợi nhuận ổn định ở mức 8-15%, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân có mức tăng trưởng lợi nhuận cao là LPBank, Techcombank, VPBank, HDBank, Sacombank…
Năm 2025 dự báo lợi nhuận ngân hàng vẫn ổn định
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, năm 2025, lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn ổn định như năm nay, do bức tranh kinh tế chưa có chuyển biến nào rõ ràng. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm khi thị trường chứng khoán, bất động sản dự báo tiếp tục khó khăn.
“Năm 2025, mặt bằng lãi suất sẽ không có nhiều thay đổi so với hiện nay do cầu tín dụng chưa thể tăng tốc trở lại. Các kênh đầu tư vẫn sẽ khó khăn, chưa thể gây sức ép với tiền gửi và lãi suất ngân hàng, nhờ đó ngành ngân hàng sẽ hoạt động ổn định. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu ngân hàng là nhóm ngành an toàn với nhà đầu tư năm 2025, song không thể kỳ vọng sự tăng trưởng mạnh mẽ”, ông Nghĩa nhận định.
Theo các chuyên gia phân tích, ngành ngân hàng thời gian qua đã chống chịu tốt với sức ép trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, định giá hiện tại của ngành ngân hàng phù hợp để đầu tư với tầm nhìn dài hạn trong bối cảnh triển vọng lợi nhuận tăng trưởng vừa phải nhưng bền vững.