spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánLoạt công ty chứng khoán nhỏ đổi chủ: Đâu là câu chuyện...

Loạt công ty chứng khoán nhỏ đổi chủ: Đâu là câu chuyện đằng sau?

Hàng loạt công ty chứng khoán nhỏ đang trải qua quá trình đổi chủ mạnh mẽ. Chuyên gia nhấn mạnh, các diễn biến này tiềm ẩn cả cơ hội và rủi ro.
Loạt công ty chứng khoán nhỏ đổi chủ: Đâu là câu chuyện đằng sau?
Hình minh họa

Những tháng gần đây, thị trường chứng khoán liên tục ghi nhận các thương vụ đổi chủ tại các công ty chứng khoán nhỏ. Điển hình, ngày 4/10, CTCP Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) chứng kiến cổ đông sáng lập là Inter-Pacific Securities rút lui, chuyển nhượng 4 triệu cổ phần cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Hương Giang, nâng sở hữu của bà lên 60,19%. Động thái này đánh dấu bước đi củng cố quyền lực tại SBBS của bà Giang.

Một thương vụ tương tự diễn ra tại CTCP Chứng khoán Hải Phòng (Haseco, UPCoM: HAC), khi hai cổ đông lớn mới là ông Trần Anh Đức và ông Vũ Hoàng Việt đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nắm giữ lần lượt 19,94% và 24,87% cổ phần. Sự xuất hiện của hai cổ đông này khép lại “triều đại” của nhóm cổ đông trước, bao gồm Tập đoàn Hapaco và Chủ tịch Vũ Dương Hiền.

Tại CTCP Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia, ngày 23/9, quá trình đổi chủ được hoàn tất khi công ty chính thức đổi tên thành Công ty Chứng khoán UP, thay đổi toàn bộ bộ nhận diện thương hiệu và nền tảng giao dịch. Trước đó, các cổ đông sáng lập đã thoái sạch vốn và rút khỏi ban lãnh đạo. Một trường hợp tương tự là Công ty Chứng khoán Việt Tín (VTSS), được đổi tên thành Chứng khoán VTG và chuyển trụ sở vào TP. HCM sau khi TIN Global Pte. Ltd. tới từ Singapore thâu tóm 49% cổ phần.

Điểm chung của các công ty chứng khoán trong đợt sóng đổi chủ này là quy mô vốn nhỏ, dao động từ 100 đến 300 tỷ đồng và tình hình kinh doanh khá ảm đạm. Tính đến cuối quý II/2024, SBBS lỗ lũy kế 266 tỷ đồng, trong khi Haseco và VTGS lỗ lần lượt 31 tỷ và 22 tỷ đồng. UP là công ty duy nhất có lãi lũy kế (27,5 tỷ đồng) nhưng không còn giữ được vị thế trong top thị phần.

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, Tổng Giám đốc CTCP ViCK, làn sóng mua lại các công ty chứng khoán nhỏ xuất phát từ ba yếu tố chính:

– Tiềm năng tăng trưởng của ngành chứng khoán: Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam có những dấu hiệu tích cực từ nền kinh tế vĩ mô và triển vọng nâng hạng vào năm 2025, các nhà đầu tư, đặc biệt là nước ngoài, đang đổ vốn vào ngành chứng khoán. Việc Bộ Tài chính cho phép nhà đầu tư nước ngoài giao dịch cổ phiếu mà không cần ký quỹ trước (non-prefunding) đã tăng thêm sức hút, giúp ngành này trở thành điểm đến của nhiều tổ chức tài chính lớn.

– Khả năng huy động và luân chuyển vốn: Các nghiệp vụ tài chính của công ty chứng khoán có thể hỗ trợ các tổ chức trong việc huy động vốn. Khác với trước đây khi các công ty chứng khoán chủ yếu được sử dụng để tạo lập giá và thanh khoản, hiện nay, các nghiệp vụ này được sử dụng hợp pháp để dịch chuyển nguồn vốn, đặc biệt là khi các tổ chức tín dụng khó đáp ứng yêu cầu.

– Chủ trương tái cấu trúc của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN): UBCKNN đã ngừng cấp phép mở mới công ty chứng khoán trong khoảng 5 năm qua, khiến các công ty hiện hữu, dù hoạt động kém, trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tập đoàn và tổ chức tài chính muốn tham gia thị trường.

Ông Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh, các công ty chứng khoán nhỏ, ít hoạt động hoặc kinh doanh kém thường là lựa chọn lý tưởng để thâu tóm, do việc mua lại cổ phần từ các cổ đông hiện hữu thường đơn giản hơn so với các công ty quy mô lớn, có tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi cao.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nhận định, việc mua lại các công ty chứng khoán nhỏ đi kèm với rủi ro trong tái cấu trúc và phát triển. Nếu mục tiêu chỉ là thiết lập hành lang pháp lý cho nghiệp vụ vốn, rủi ro tái cấu trúc sẽ ít hơn bởi công ty chỉ phục vụ một nhóm đối tượng nhỏ. Tuy nhiên, vẫn cần đảm bảo tuân thủ pháp luật, tránh lạm dụng nghiệp vụ tự doanh cho lợi ích nhóm.

Với mục tiêu giành thị phần, các tổ chức mua công ty chứng khoán sẽ đối mặt với rủi ro về vốn, chiến lược và nhân lực. Ông Điệp cho rằng để phát triển, cần có chiến lược cụ thể và đội ngũ quản lý giỏi, vốn đang khan hiếm trong ngành.

Xu hướng M&A công ty chứng khoán, theo ông Điệp sẽ tiếp tục, nhất là khi thị trường được thúc đẩy bởi chủ trương hạn chế mở mới công ty. Việc hợp nhất các công ty nhỏ giúp tăng hiệu quả, cải thiện thanh khoản và mang lại lợi ích cho thị trường.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật