Mới đây, Tập đoàn Sun Group đã có văn bản gửi UBND TP. HCM, đề xuất nghiên cứu đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn với chiều dài khoảng 40km, quy mô từ 8 – 10 làn xe. Đáng chú ý, đi cùng tuyến đường này, Tập đoàn còn mong muốn được đầu tư thêm một tuyến metro hoặc tramway chạy dọc sông Sài Gòn, đi qua địa bàn huyện Củ Chi (tên gọi cũ).
Trước Sun Group, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TP. HCM. Đơn cử, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất tuyến đường sắt đô thị nối trung tâm TP. HCM (phường Tân Thuận, quận 7) đến khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, với nguồn vốn tự cân đối, không sử dụng ngân sách thành phố.
Tiếp nối dòng chảy đầu tư tư nhân, liên danh DCH gồm Tập đoàn Đại Dũng, Tổng Công ty Xây dựng số 1 (UPCoM: CC1) và Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã đề xuất nghiên cứu và đầu tư 3 tuyến đường sắt trọng điểm với tổng vốn lên tới 184.191 tỷ đồng (tương đương 7,6 tỷ USD), bao gồm: tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), tuyến Thủ Thiêm – Long Thành và tuyến Bình Dương – Suối Tiên.
![]() |
Mạng lưới hạ tầng đường sắt TP. HCM (trước sáp nhập) |
Mới đây, Tập đoàn Trường Hải (THACO) cũng bày tỏ mong muốn tham gia vào lĩnh vực này thông qua đề xuất đầu tư 2 tuyến đường sắt với tổng vốn 5,4 tỷ USD, gồm: tuyến metro số 2 (đoạn Tham Lương – Bến Thành) và tuyến Thủ Thiêm – Long Thành.
THACO đề xuất thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế – mua sắm vật tư, thiết bị – thi công xây dựng công trình) hoặc đầu tư trực tiếp theo quy định của Luật Đầu tư. Tập đoàn cam kết thực hiện quá trình nghiên cứu một cách nghiêm túc, khẩn trương và không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Trong trường hợp không được lựa chọn làm nhà đầu tư, THACO khẳng định sẽ bàn giao toàn bộ kết quả nghiên cứu cho TP. HCM mà không yêu cầu hoàn trả chi phí.
![]() |
Các ông lớn gồm Vingroup, THACO, Sun Group, liên danh Hòa Phát đang đề xuất tham gia các dự án metro tại TP. HCM |
Lãnh đạo TP. HCM đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự chủ động của các doanh nghiệp trong nước. Chia sẻ trước đó, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh: “Chúng ta may mắn có những nhà đầu tư Việt, có trái tim Việt, có dòng máu Việt và có tấm lòng với đất nước này đăng ký thực hiện. Làm đường sắt khó chứ không dễ, bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng, thu lại các khoản nhỏ nhưng họ vẫn muốn đăng ký làm. Tại sao chúng ta không khuyến khích họ làm?”.
Hưởng ứng Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, đến nay đã có ít nhất 6 nhà đầu tư trong nước đề xuất tham gia vào các dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM. Những động thái này không chỉ góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, mà còn mở đường cho việc hình thành hệ sinh thái công nghiệp đường sắt – nơi các “con sếu đầu đàn” của kinh tế tư nhân cùng tạo lực đẩy cho hành trình chuyển mình của quốc gia trong kỷ nguyên mới.