Loạt hợp đồng tỷ USD ký cập tập không giúp Việt Nam né đòn thuế
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ hàng loạt nền kinh tế. Trong đó, Việt Nam chịu mức thuế 46%, thuộc nhóm các nước bị áp thuế cao nhất, cùng với Trung Quốc, Campuchia, Indonesia và Myanmar. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với sản phẩm từ các quốc gia khác.
Trước đó, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa trị giá 119,5 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 15,1 tỷ USD, trở thành một trong các nước có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ.
![]() |
Ảnh minh họa |
Chính phủ Việt Nam cùng các doanh nghiệp trong nước liên tục có các động thái “xoa dịu” tình hình bằng loạt hợp đồng trị giá hàng tỷ USD được ký cấp tập trong thời gian ngắn, chưa có thời gian để hấp thụ và mang lại hiệu quả rõ ràng.
Cụ thể, trong tháng 3/2025, Việt Nam sẽ cho phép Starlink của tỷ phú Elon Musk – đồng minh thân cận của ông Donald Trump cung cấp dịch vụ internet vệ tinh trong giai đoạn thí điểm kéo dài 5 năm, với số lượng thuê bao tối đa 600.000. Quyết định này mở đường cho SpaceX đầu tư thử nghiệm vào mạng viễn thông vệ tinh quỹ đạo thấp tại Việt Nam cho đến ngày 1/1/2031.
Trong lĩnh vực hàng không, Việt Nam cũng đã đàm phán với các công ty quốc phòng Mỹ về khả năng mua thiết bị an ninh. Trong đó, các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn nâng cao với Lockheed Martin về máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules.
Ngoài ra, VietJet đã đồng ý mua 200 chiếc Boeing 737 MAX trong một thỏa thuận trị giá nhiều tỷ USD được ký lần đầu vào năm 2016 và được sửa đổi sau đó. Hiện tại, chưa có máy bay nào được giao, tuy nhiên VietJet đã thể hiện sự quan tâm đến việc mở rộng thỏa thuận. Vietnam Airlines cũng đã có thỏa thuận có thể mua 50 máy bay Boeing 737 MAX.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ |
Trong lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có chuyến thăm Mỹ vào tháng 3/2025. Tại đây, PV Gas, BSR, PV Power, Petrolimex… đã ký kết nhiều hợp đồng quan trọng với doanh nghiệp Mỹ, tổng trị giá 4,15 tỷ USD, chủ yếu về việc nhập khẩu thiết bị năng lượng và nhiên liệu. Các thỏa thuận đang được doanh nghiệp hai bên tiếp tục đàm phán và dự kiến ký kết trong thời gian tới, nâng tổng giá trị lên khoảng 36 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, tổng giá trị các thỏa thuận kinh tế, thương mại ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ, dự kiến triển khai trong giai đoạn từ năm 2025, là khoảng 90,3 tỷ USD, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho người lao động hai nước. Bao gồm các hợp đồng, thỏa thuận đã ký kết và sẽ triển khai từ năm 2025, trị giá 50,15 tỷ USD, tập trung vào mua sắm máy bay, dịch vụ hàng không, khai thác dầu khí và nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu.
Đối với hàng nông nghiệp, Việt Nam sẵn sàng nhập khẩu thêm nông sản Mỹ. Ngoài ra, trước nghi ngờ là trung tâm trung chuyển hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá đối với thép Trung Quốc. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đưa ra cam kết về việc chống gian lận thương mại.
Cần phản ứng thần tốc
Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành sau tuyên bố của Mỹ về mức áp thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Theo Thủ tướng, việc Mỹ áp thuế là chưa phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, mong muốn của người dân hai bên cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua.
Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay Tổ phản ứng nhanh về vấn đề này, do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; đồng thời giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
Mức thuế mới có hiệu lực từ ngày 9/4, trong khi phía Mỹ để ngỏ khả năng đàm phán. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ có chuyến thăm Mỹ từ ngày 6/4 để trao đổi sâu hơn về vấn đề này.
Trao đổi nhanh với Tuổi Trẻ Online, GS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), nhận định: “Ngay trong tuần này, càng sớm càng tốt, Việt Nam nên có những quyết sách mang tính cải cách mạnh mẽ và lâu dài để biến nguy thành cơ, giúp Việt Nam không chỉ duy trì mà còn tăng sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu và thu hút đầu tư toàn cầu”.
Ông Khương hiến kế, Việt Nam có thể đơn phương ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ. “Lâu nay Việt Nam áp thuế 0% với các đối tác trong các hiệp định thương mại tự do, nhưng với Mỹ chúng ta vẫn áp thuế như với một quốc gia thông thường. Trong tình thế cấp bách vừa qua, chúng ta có giảm mức thuế này xuống đáng kể nhưng vẫn còn cao, và phía Mỹ coi là chưa thực sự công bằng” – ông Khương nói.
Cơ hội để đất nước chuyển mình, không phụ thuộc vào bên ngoài
![]() |
Thủ tướng cho rằng đây là thời cơ để phát triển năng lực nội tại |
Trong nguy có cơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây cũng là thời điểm để khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh nội địa hóa và khai thác hiệu quả thị trường, tài nguyên trong nước.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là không thay đổi trước những quyết sách của Mỹ.
GS.TS Vũ Minh Khương cho rằng các cơ quan, ban ngành cần nhận thức cao hơn về tầm quan trọng của việc chuyển đổi động lực này thành một cuộc cải cách toàn diện, nhằm đẩy nhanh sự phát triển của Việt Nam hướng tới thịnh vượng. Việc áp thuế này có thể trở thành cú hích để Việt Nam có động lực mạnh mẽ hơn trong việc tiến tới cải cách lâu dài.
Về động lực tăng trưởng 8%, ông Trần Đức Anh – Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược KBSV nhận định Việt Nam vẫn còn dư địa chính sách, đặc biệt là chính sách tài khóa với việc đẩy mạnh đầu tư công.