Tháng 11/2023, Xanh SM chính thức ra mắt thị trường Lào – nơi đánh dấu bước tiến đầu tiên trong kế hoạch tiến ra thị trường nước ngoài, đưa GSM trở thành hãng gọi xe có tầm vóc khu vực và thế giới.
Chia sẻ về lý do lựa chọn, lãnh đạo Xanh SM cho biết, Lào là quốc gia lân cận Việt Nam, gần gũi về địa lý, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, cũng như có sự khăng khít trong hợp tác kinh tế giữa hai nước. Ngoài ra, Lào là một quốc gia đang phát triển nhanh chóng, có chính sách ủng hộ và khuyến khích sử dụng xe điện trong các cơ quan nhà nước cũng như toàn dân.
Tiếp nối quá trình mở rộng, ngày 9/12, Xanh SM, thương hiệu taxi điện hàng đầu Việt Nam, đã chính thức kick off lễ ra quân tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Theo chia sẻ trên trang cá nhân của ông Nguyễn Văn Thanh – Tổng Giám đốc GSM, hoạt động thử nghiệm diện rộng sẽ bắt đầu từ ngày 10/12, nhằm hoàn thiện quy trình trước khi chính thức khai trương trong tháng 12/2024.
Xanh SM sẽ chính thức ra mắt tại Indonesia ngay trong tháng 12 (Ảnh: Thanh Nguyen) |
Vì sao Xanh SM thâm nhập thị trường Indonesia?
Phù hợp với chiến lược
Trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Hà Nội hồi đầu năm 2024, VinFast và GSM đã thông tin về việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với GoTo (đơn vị sở hữu Gojek). Việc hợp tác hướng tới hỗ trợ các tài xế của Gojek chuyển đổi sang sử dụng xe điện, đồng thời mang dịch vụ taxi của Xanh SM đến với người tiêu dùng Indonesia.
Ngoài hợp tác chung, GSM cũng công bố kế hoạch đầu tư tới 900 triệu USD vào Indonesia trong thời gian tới. Động thái này tương tự chiến lược GSM đã thực hiện tại thị trường Việt Nam.
Tổng thống Indonesia tham quan nhà máy VinFast cùng tỷ phú Phạm Nhật Vượng |
Là nền tảng “sinh sau đẻ muộn” tham gia vào cuộc chơi gọi xe công nghệ, từ đầu GSM đã tìm cách bắt tay với các ông lớn trong ngành. Sau một tháng thành lập, GSM đã nhanh chóng đầu tư vào Be Group (đơn vị vận hành Be). Trong đó, Be sẽ chia sẻ nền tảng gọi xe cho GSM. Khách hàng sử dụng ứng dụng Be có thêm lựa chọn đặt taxi điện Xanh SM được tích hợp sẵn.
Bên cạnh việc sử dụng nền tảng của Be, thông qua các đối tác tài chính, GSM cam kết hỗ trợ tài xế của Be chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện VinFast. Ngoài ra, hãng gọi xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng có khoản đầu tư trực tiếp vào Be, số tiền không được tiết lộ. Theo số liệu doanh nghiệp tự công bố, Be đang là nền tảng gọi xe có thị phần lớn thứ hai tại Việt Nam, với 20 triệu lượt tải xuống.
Trở lại với chiến lược tương tự của GSM tại Indonesia, Gojek hiện cũng đang là một trong hai đơn vị kinh doanh dịch vụ gọi xe có thị phần lớn nhất ở quốc gia vạn đảo. Cuối năm ngoái, ban lãnh đạo GoTo cho biết doanh nghiệp phải khiến công ty có lãi, trước sự mất kiên nhẫn từ các nhà đầu tư.
Với nhiệm vụ cấp thiết là có lãi, Gojek cần dòng tiền đầu tư từ GSM cũng như VinFast. Đổi lại, Xanh SM sẽ có cơ hội tiếp cận nhanh thị trường rộng lớn với tệp khách hàng khủng mà Gojek đã mất nhiều năm xây dựng.
Thị trường lớn với dân số đứng thứ 4 thế giới và GDP đứng đầu Đông Nam Á
Indonesia, với dân số hơn 277 triệu người, là quốc gia đông dân thứ 4 thế giới (đông dân nhất Đông Nam Á) và cũng là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đạt khoảng 4.391 tỷ USD vào năm 2023.
Mordor Intelligence cho biết quy mô thị trường gọi xe Indonesia đạt 2,67 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt mức 4,66 tỷ USD trong giai đoạn 2024 – 2029, với mức tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 8,75%.
Trong khi đó, theo Statista, thị trường taxi Indonesia nói riêng có tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) trong giai đoạn 2024 – 2028 là 3,19%. Quy mô doanh thu ước đạt 5,93 tỷ USD vào năm 2028 với hơn 40 triệu người dùng. Tỷ lệ thâm nhập của người dùng trên thị trường taxi Indonesia dự báo đạt 14,8% vào năm 2024 và 14% vào năm 2028.
Thị trường ô tô và taxi của Indonesia sẽ tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo (ảnh minh họa) |
Chính sách khuyến khích sử dụng và phát triển xe điện
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất xe điện trong khu vực, với các chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho ngành công nghiệp này. Theo các quy định công bố ngày 20/2/2024, Indonesia sẽ loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện trong năm tài chính 2024 và thuế nhập khẩu cho đến cuối năm 2025 và giảm thuế giá trị gia tăng đối với việc bán xe điện – với điều kiện sử dụng 40% linh kiện sản xuất trong nước.
Chính phủ cho biết các ưu đãi này nhằm mục đích kích thích nhu cầu xe điện trong nước, đồng thời thu hút đầu tư của các nhà sản xuất ô tô. Chính phủ đặt mục tiêu sản xuất trong nước 600.000 xe điện vào năm 2030. Con số này sẽ gấp hơn 100 lần số lượng bán ra ở Indonesia trong nửa đầu năm 2023.