spot_img
33 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng Khoán'Mỏ vàng' 3,5 triệu tấn - Át chủ bài mới của Việt...

‘Mỏ vàng’ 3,5 triệu tấn – Át chủ bài mới của Việt Nam trên bàn cờ công nghệ toàn cầu

Khi thế giới bước vào cuộc đua nguyên liệu chiến lược thế kỷ 21, đất hiếm trở thành thứ quyền lực mới trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Giữa cục diện đầy biến động, Việt Nam bất ngờ được “xướng tên” như một ứng viên sáng giá thay thế Trung Quốc.

Việc kiểm soát nguồn cung đất hiếm không còn là câu chuyện kỹ thuật mà đã trở thành đòn bẩy địa chính trị. Trong bối cảnh Trung Quốc thắt chặt xuất khẩu và Mỹ – Nhật – EU gấp rút tìm nguồn thay thế, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng mới, không chỉ nhờ trữ lượng lớn mà còn vì vị thế địa lý và động lực chính sách mạnh mẽ. Báo cáo chuyên đề “Mỏ vàng xanh của Việt Nam: Cơ hội tỷ đô trong cuộc đua đất hiếm” của Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN (ASEAN Securities – ASEANSC) nhận định, nếu tận dụng đúng thời điểm và chính sách, Việt Nam hoàn toàn có thể bước vào hàng ngũ trung tâm đất hiếm toàn cầu.

Tài nguyên chiến lược: Thế mạnh từ lòng đất

Việt Nam hiện được xếp thứ 6 thế giới về trữ lượng oxit đất hiếm (REO) khả thi thương mại với khoảng 3,5 triệu tấn – theo báo cáo điều chỉnh mới nhất của USGS tháng 3/2025. Mặc dù con số này giảm mạnh so với mức 22 triệu tấn trước đây, nhưng ASEANSC nhấn mạnh, “sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật và thận trọng về mặt quản lý tài nguyên – không phản ánh tiêu cực về tiềm năng của Việt Nam”.

'Mỏ vàng' 3,5 triệu tấn - Át chủ bài mới của Việt Nam trên bàn cờ công nghệ toàn cầu
Sản lượng khai thác và trữ lượng đất hiếm của các quốc gia trên thế giới (2023–2025). Nguồn: USGS – Báo cáo Đất hiếm năm 2025, trích dẫn trong báo cáo chuyên đề của Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN (ASEAN Securities).

Các mỏ đất hiếm của Việt Nam phân bố chủ yếu tại Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, đặc biệt là Đông Pao, Bắc – Nam Nậm Xe (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai), Yên Phú (Yên Bái) và các sa khoáng ven biển như Bình Định, Bình Thuận. Trong đó, Đông Pao được đánh giá là mỏ đất hiếm lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng ước tính hơn 10,6 triệu tấn quặng nguyên khai, tương đương gần 1 triệu tấn TR₂O₃.

Về thành phần, đất hiếm nhẹ (LREEs) như La, Ce, Pr, Nd chiếm khoảng 80–85% tổng tài nguyên, trong khi nhóm đất hiếm nặng (HREEs) như Dy, Tb, Y, Gd – vốn có giá trị kinh tế và ứng dụng công nghệ cao – chiếm 15–20% và tập trung ở Yên Phú, Mường Hum. “Không có đất hiếm → không có EV → ngành xe điện toàn cầu tê liệt”, theo ASEANSC. Vai trò không thể thay thế của đất hiếm khiến Việt Nam có lợi thế chiến lược kép: vừa dồi dào nguồn cung, vừa sở hữu các nguyên tố quý hiếm mà phương Tây đang khát.

'Mỏ vàng' 3,5 triệu tấn - Át chủ bài mới của Việt Nam trên bàn cờ công nghệ toàn cầu
Cơ cấu thành phần và phân bố đất hiếm tại Việt Nam. Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo chuyên đề của Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN (ASEAN Securities – AseanSC).

Đòn bẩy địa chính trị: Cơ hội từ cuộc chơi siết nguồn cung

Ngày 4/4/2025, Trung Quốc tuyên bố siết xuất khẩu bảy nguyên tố đất hiếm chiến lược gồm scandium, dysprosium, gadolinium, terbium, lutetium, samarium và yttrium. Động thái này được đánh giá là cú phản đòn trực tiếp nhằm vào chính sách thuế quan của Mỹ. Theo ASEANSC, “đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy chiến lược vũ khí hóa khoáng sản đang được Trung Quốc triển khai để củng cố vị thế toàn cầu”.

Yttrium – một nguyên tố Mỹ từng nhập khẩu tới 94% từ Trung Quốc trong giai đoạn 2018–2021 – lại xuất hiện tại các mỏ Yên Phú và Đông Pao của Việt Nam. Điều này khiến Việt Nam ngay lập tức lọt vào tầm ngắm của các cường quốc. Mỹ đã ký biên bản ghi nhớ từ tháng 9/2023 về hỗ trợ kỹ thuật và cải thiện quy trình đầu tư khoáng sản. Nhật Bản bày tỏ mong muốn hợp tác toàn diện từ khâu khảo sát đến chế biến. Hàn Quốc thông qua Trident Global và Zoetic Global (Mỹ) thiết lập liên doanh cùng Tập đoàn Hưng Hải Việt Nam tại mỏ Đông Pao. Thậm chí, Trung Quốc cũng hai lần ngỏ lời đầu tư nhằm giữ vị thế ảnh hưởng.

Theo Quyết định số 866/QĐ-TTg, Việt Nam đặt mục tiêu khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai mỗi năm đến năm 2030, với công suất chế biến TREO và REO từ 20.000 đến 60.000 tấn/năm, dự kiến nâng lên 80.000 tấn/năm sau năm 2031. Ngoài ra, sẽ có thêm các nhà máy tinh luyện kim loại đất hiếm với công suất 7.500–10.000 tấn/năm. Tuy nhiên, ASEANSC cảnh báo, “Việt Nam hiện chưa có công nghệ chế biến sâu hiện đại, chủ yếu mới dừng ở quy mô thí nghiệm”. Nếu không sớm khép kín chuỗi giá trị, cơ hội có thể rơi vào tay các đối thủ như Indonesia, Australia hay Brazil.

'Mỏ vàng' 3,5 triệu tấn - Át chủ bài mới của Việt Nam trên bàn cờ công nghệ toàn cầu
Quy hoạch các dự án khai thác quặng đất hiếm giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nguồn: Phụ lục III.14 – Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Dòng tiền đầu tư: Ai đang dẫn dắt cuộc chơi trên sàn?

Trên sàn chứng khoán, cái tên sáng giá nhất trong lĩnh vực đất hiếm hiện nay là Tổng Công ty Khoáng sản TKV – CTCP (HNX: KSV). Thông qua công ty con Lavreco, KSV là đối tác liên doanh mỏ Đông Pao – nơi đã hoàn tất báo cáo tiền khả thi và vừa được đưa trở lại danh mục khai thác ưu tiên. Theo ASEANSC, “việc được cấp phép khai thác trở lại sẽ giúp KSV trở thành doanh nghiệp đầu ngành trong chuỗi cung ứng đất hiếm tại Việt Nam, đón đầu dòng vốn FDI và công nghệ tách lọc hiện đại”.

Bên cạnh đó, CTCP FPT (HOSE: FPT) được đánh giá là doanh nghiệp hưởng lợi gián tiếp từ làn sóng công nghiệp hóa xoay quanh đất hiếm. Với thế mạnh về chuyển đổi số, AI, dữ liệu lớn và an ninh mạng, FPT có thể cung cấp giải pháp điều hành, giám sát thông minh cho các nhà máy tinh luyện – chế biến đất hiếm. Theo ASEANSC, “FPT là doanh nghiệp có đủ năng lực để đóng vai trò trung tâm trong hệ sinh thái công nghiệp đất hiếm công nghệ cao”.

Tuy nhiên, tác động đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn có thể chưa rõ rệt do quá trình triển khai các dự án khai thác và chế biến thường kéo dài, phụ thuộc nhiều vào cơ chế cấp phép, vốn đầu tư và hạ tầng. ASEANSC khuyến nghị, nhà đầu tư nên tiếp cận lĩnh vực đất hiếm với chiến lược dài hạn, ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực thực thi và tình hình tài chính vững vàng.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để chuyển mình từ “nước cung cấp khoáng sản thô” sang trung tâm công nghệ đất hiếm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng để quân át chủ bài không trở thành con dao hai lưỡi, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng thể chế minh bạch, hoàn thiện công nghệ chế biến sâu và lựa chọn đối tác chiến lược một cách khôn ngoan. Cuộc chơi đất hiếm không chỉ là chuyện tài nguyên, mà là bài toán dài hạn về năng lực công nghiệp và khả năng kiến tạo giá trị của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ 21.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật