Sở GDCK TP.HCM (HoSE) vừa công bố thay đổi thành phần các rổ chỉ số kỳ tháng 1/2025 và sẽ chính thức có hiệu lực từ 3/2/2025.
Tại bộ chỉ số VN30, không ngoài dự báo của nhiều CTCK, cổ phiếu ngân hàng LPB đã lọt rổ VN30 trong kỳ cơ cấu này. Ở chiều ngược lại, mã POW bị loại khỏi danh mục.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 4 ETF đang sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu bao gồm: DCVFM VN30 ETF, SSIAM VN30 ETF, FUEMAV30 ETF và KIM Growth VN30 ETF. 4 quỹ ETF này hiện có tổng quy mô tài sản là hơn 9.400 tỷ đồng. Trong đó, DCVFM VN30 ETF là quỹ có quy mô lớn nhất tham chiếu theo bộ chỉ số này với giá giá trị tài sản ròng hơn 6.500 tỷ đồng. Các quỹ ETF này sẽ thực hiện tái cân bằng danh mục từ ngày 16/01/2025 đến ngày 31/01/2025.
Theo ước tính, DCVFM VN30 ETF sẽ bán ra toàn bộ gần 2,3 triệu cổ phiếu POW để loại mã này khỏi danh mục. Cùng chiều, quỹ cũng có thể bán ra hàng triệu cổ phiếu VHM (-2,65 triệu cp), VPB (-1,2 triệu cp), TCB (-1 triệu cp), ACB (-995 nghìn cp),…
Ngược lại, quỹ có thể mua vào gần 13,1 triệu cổ phiếu LPB để thêm mới vào danh mục. Đồng thời, các mã như VIB (1,9 triệu cổ phiếu),MSN (505 nghìn cổ phiếu),… cũng được “gom” thêm.
Mới đây, HoSE đã ban hành Quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0, chính thức có hiệu lực từ tháng 03/2025. Điểm nhấn trong lần thay đổi này là một số nội dung thay đổi có thể sẽ tác động đến việc sàng lọc bộ chỉ số VN30. Cụ thể, tại mục 7.4 HOSE-Index phiên bản 4.0, đối với chỉ số VN30 bổ sung thêm ngưỡng giới hạn tỷ trọng vốn hóa áp dụng 40% đối với nhóm cổ phiếu cùng ngành (phiên bản 3.1 chưa có quy định này).
Ngoài ra, HOSE-Index phiên bản 4.0 cũng điều chỉnh mốc thời gian công bố thông tin thay đổi danh mục cổ phiếu thành phần của các chỉ số vào thứ 4 (tại phiên bản 3.1 là thứ 2) lần thứ 3 của các tháng 1, tháng 7 hàng năm, và công bố thông tin cập nhật thông tin khối lượng lưu hành, free-float của cổ phiếu thành phần vào thứ 4 (phiên bản 3.1 là thứ 2) lần thứ 3 của tháng 1, 4, 7 và 10 hằng năm.
Theo HoSE, quy tắc Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0 được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời đảm bảo tính ổn định, chất lượng của chỉ số cũng như tăng tính thanh khoản của các cổ phiếu trong rổ chỉ số. Tỷ trọng vốn hoá của các mã cổ phiếu cùng ngành trong rổ chỉ số VN30 được giới hạn ở mức 40% góp phần ổn định cơ cấu ngành và hạn chế việc một ngành chiếm tỉ trọng quá nhiều trong rổ chỉ số.
Sau đợt review quý 1/2025 này, số lượng cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 tăng lên 14 mã, tỷ trọng vốn hóa đạt trên 50%. Như vậy chiếu theo quy định mới, trong kỳ cơ cấu tiếp theo các quỹ ETF tham chiếu theo rổ chỉ số VN30 sẽ cần phải cơ cấu, giảm tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng trong danh mục nhằm đảm bảo ngưỡng quy định.