Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm đạt 392.710 tỷ đồng – tăng mạnh 51,6% so với cùng kỳ năm trước. Đột biến nhất là nguồn thu từ đất đai – vốn chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách địa phương – với tổng giá trị lên đến 86.751 tỷ đồng. Riêng tiền sử dụng đất đã đạt 74.004 tỷ đồng, tăng tới 602,8% so với cùng kỳ 2024 và vượt 77% tổng thu cả năm ngoái.
Đáng chú ý, Vingroup (VIC) và các doanh nghiệp vệ tinh đóng vai trò chủ lực trong mức tăng này.
Cụ thể, Tập đoàn thông qua dự án Vinhomes Wonder City đã nộp hơn 12.000 tỷ đồng (gần 0,5 tỷ USD) tiền sử dụng đất cho thành phố. Dự án quy mô hơn 133ha này tọa lạc tại huyện Đan Phượng cũ (nay thuộc phía Tây Bắc Hà Nội) với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 18.440 tỷ đồng.
![]() |
Hình ảnh máy móc thi công trên công trường dự án Vinhomes Đan Phượng |
Bên cạnh đó, CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) – công ty con của Vingroup – cũng đã nộp tới 5.400 tỷ đồng tiền thuê đất cho thành phố. Cộng dồn, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2025, Vingroup và VEFAC đã nộp tổng cộng 17.750 tỷ đồng vào ngân sách Hà Nội, trở thành nhóm doanh nghiệp tư nhân nộp thuế đất lớn nhất thủ đô.
Ngoài Vingroup, hai doanh nghiệp khác cũng có đóng góp lớn là CTCP Phát triển KĐT Nam Thăng Long (gần 13.600 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư Phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội (gần 10.000 tỷ đồng). Cả ba đơn vị này đều đang triển khai các đại đô thị quy mô tại các vùng quy hoạch trọng điểm phía Tây và Bắc thành phố.
Tính cả năm 2024, tổng số tiền mà Vinhomes và VEFAC nộp vào ngân sách Nhà nước đã vượt 40.000 tỷ đồng – tương đương tổng thu ngân sách cả năm của tỉnh Hưng Yên trước sáp nhập, và cao hơn thu ngân sách của 54 tỉnh, thành phố còn lại.
Đóng góp này cũng chiếm tới 8% tổng thu ngân sách toàn Thủ đô năm 2024, cho thấy vai trò ngày càng lớn của khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là hệ sinh thái Vingroup, trong việc tạo lập nguồn lực tài chính cho phát triển đô thị và hạ tầng.