Theo trang Steel Market Update, ngày 4/4/2025, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết luận sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với các sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Cuộc điều tra được khởi xướng từ tháng 9/2024, sau khi DOC tiếp nhận đơn kiện từ các nhà sản xuất thép nội địa Mỹ. Đơn kiện nhắm đến các sản phẩm nhập khẩu từ Úc, Brazil, Canada, Mexico, Hà Lan, Nam Phi, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Việt Nam.
Kết quả sơ bộ cho thấy mức thuế chống bán phá giá áp lên các doanh nghiệp Việt Nam có sự phân hóa rõ rệt. Các doanh nghiệp được nêu tên trong đợt điều tra bị áp mức thuế dao động từ 39,84% đến 59%, trong khi các đơn vị còn lại – không được xác định riêng lẻ – phải đối mặt với mức thuế cao nhất lên tới 88,12%.
Cụ thể, Hoa Sen Group (HoSE: HSG) chịu mức thuế cao nhất là 59%, trong khi Tôn Đông Á (UPCoM: GDA) bị áp mức thuế 39,84%. Nhiều doanh nghiệp khác như China Steel & Nippon Steel Việt Nam, Tôn Hoà Phát (thuộc Tập đoàn Hòa Phát – HPG), Nam Kim Steel (HoSE: NKG)… đều bị áp mức thuế đồng đều là 49,42%.
Đáng lưu ý, nhóm các doanh nghiệp không được điều tra riêng biệt sẽ mặc định chịu mức thuế suất cao nhất là 88,12%.
![]() |
Nguồn: Steel Market Update |
Theo lộ trình, DOC sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 18/8/2025. Tiếp đó, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) dự kiến đưa ra kết luận cuối cùng về việc liệu ngành thép Mỹ có chịu thiệt hại bởi hàng nhập khẩu hay không vào tháng 10/2025. Ngược lại, nếu không có thiệt hại, toàn bộ mức thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng sẽ bị hủy bỏ.
Bên cạnh cuộc điều tra chống bán phá giá, các doanh nghiệp thép Việt Nam còn đang đối mặt với một cuộc điều tra song song về thuế chống trợ cấp (CVD) do DOC tiến hành. Nếu được xác định có trợ cấp không phù hợp, các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ có thể bị áp thêm thuế đối kháng.