Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh hạn chót 12/8 đến gần. Đầu tháng 5, hai bên đã thống nhất giảm mạnh thuế nhập khẩu trong 90 ngày. Một tháng sau, họ đạt thỏa thuận khung.
Tuy nhiên, nếu không đạt thỏa thuận chi tiết trước hạn chót này, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể lại đối mặt với biến động, khi thuế nhập khẩu hai nước áp lên nhau trước đó đều trên 100%.
- Cờ Mỹ và Trung Quốc tại bàn đàm phán hồi tháng 5 ở Geneva. Ảnh: Reuters
Vòng đàm phán của Mỹ và Trung Quốc diễn ra ngay sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, Mỹ chấp thuận giảm thuế về 15% với hàng xuất khẩu của EU. Đổi lại, châu Âu đồng ý mua 750 tỷ USD sản phẩm năng lượng, đầu tư 600 tỷ USD vào nước này và mua thêm thiết bị quân sự Mỹ.
Giới phân tích không kỳ vọng đàm phán Mỹ – Trung Quốc đạt đột phá tương tự. Tuy nhiên, họ cho rằng hai nước sẽ tiếp tục hoãn áp thuế và giảm kiểm soát xuất khẩu. Việc này sẽ tạo tiền đề cho khả năng ông Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.
“Chúng tôi đã tiến rất gần thỏa thuận với Trung Quốc. Hãy chờ xem việc đó sẽ diễn ra như thế nào”, ông Trump trả lời báo giới trước khi cuộc gặp với Chủ tịch Liên minh châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen diễn ra.
Đến nay, hai vòng đàm phán tại Geneva và London đã giúp hạ đáng kể thuế nhập khẩu mà Washington và Bắc Kinh áp lên nhau. Dòng chảy đất hiếm, chip AI và nhiều hàng hóa khác giữa hai nước cũng được khôi phục.
Tuy nhiên, các vấn đề kinh tế quy mô lớn hơn vẫn chưa được giải quyết. Mỹ phàn nàn mô hình xuất khẩu của Trung Quốc đang nhấn chìm thế giới bằng sản phẩm giá rẻ. Trong khi đó, Bắc Kinh cho rằng Washington siết xuất khẩu sản phẩm công nghệ, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia, để kìm hãm tăng trưởng kinh tế của họ.
“Stockholm vì thế sẽ là vòng đàm phán thương mại có ý nghĩa đầu tiên với Mỹ và Trung Quốc”, Bo Zhengyuan tại hãng tư vấn Plenum cho biết.
Các nhà phân tích đều cho rằng so với các đối tác khác, đàm phán với Trung Quốc phức tạp và cần nhiều thời gian hơn. Nước này hiện kiểm soát nguồn cung đất hiếm và nam châm đất hiếm toàn cầu – loại vật liệu cần thiết cho nhiều ngành, từ thiết bị quân sự đến công nghiệp ôtô.
Tổng thống Trump từng cho biết sẽ sớm quyết định có thăm Trung Quốc để giải quyết căng thẳng thương mại hay không. “Cuộc gặp tại Stockholm là cơ hội để đặt nền móng cho chuyến thăm này”, Wendy Cutler – Phó giám đốc Viện Chính sách Xã hội Châu Á cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng cho biết muốn kéo dài hạn chót qua ngày 12/8 để ngăn thuế nhập khẩu quay về mức 145% với hàng Trung Quốc và hàng Mỹ là 125%.
Dù vậy, Trung Quốc nhiều khả năng yêu cầu Mỹ giảm thêm các tầng thuế chồng chéo hiện cộng dồn lên đến 55% với hầu hết hàng hóa. Bắc Kinh cũng muốn Washington nới lỏng kiểm soát xuất khẩu đồ công nghệ cao, cho rằng việc này sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại.
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, hầu hết hàng hóa công nghiệp của Trung Quốc chịu thuế nhập khẩu 25% khi vào Mỹ. Đến nhiệm kỳ này, họ chịu thêm mức thuế 20% vì chưa kiểm soát được hoạt động buôn bán fentanyl vào Mỹ, đồng thời gánh thêm 10% thuế đối ứng như các đối tác thương mại khác.
Ông Bessent nói rằng sẽ thảo luận với giới chức Trung Quốc về việc nước này cần tái cân bằng nền kinh tế, chuyển từ phụ thuộc vào xuất khẩu sang thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này đòi hỏi Bắc Kinh giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và tăng an sinh xã hội để khuyến khích chi tiêu.
Michael Froman, cựu Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết việc này là mục tiêu của giới chức Mỹ suốt hai thập kỷ. “Liệu Mỹ có thể dùng thuế để buộc Trung Quốc thay đổi chiến lược kinh tế một cách căn bản không? Hãy chờ xem”, ông nói.
Hà Thu (theo Reuters)