spot_img
19 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánNgân hàng ACB có quyết định quan trọng về tổng giám đốc

Ngân hàng ACB có quyết định quan trọng về tổng giám đốc

Ông Từ Tiến Phát được Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu tiếp tục bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc nhiệm kỳ 3 năm, từ 2025 – 2028 kể từ ngày 14/1.

Nhiệm kỳ thứ 2

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu (mã chứng khoán: ACB) vừa có nghị quyết tái bổ nhiệm ông Từ Tiến Phát giữ chức vụ tổng giám đốc nhiệm kỳ 3 năm, từ 2025 – 2028 kể từ ngày 14/1.

Ông Phát năm nay 51 tuổi, đã có hơn 28 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và gia nhập ACB từ năm 1996. Ông Phát có bằng cử nhân Kinh tế, thạc sĩ quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế TPHCM.

Tại ACB, ông Phát đã từng trải qua các vị trí, như: Phó trưởng Phòng Tín dụng, giám đốc chi nhánh, phó giám đốc, giám đốc khối Khách hàng cá nhân.

Trước khi giữ vị trí Tổng Giám đốc ACB vào tháng 1/2022, ông Phát là Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối khách hàng cá nhân từ năm 2015. Ông Phát cũng từng là thành viên đại diện cho ACB tham gia quản trị tại Ngân hàng Đại Á.

Ông Phát đang sở hữu 1.024.316 cổ phần ACB, trị giá hơn 25 tỷ đồng. Vợ ông Phát là bà Nguyễn Thị Bích Đào đang nắm 1.047.667 cổ phần ACB, trị giá gần 26 tỷ đồng.

Ngân hàng ACB có quyết định quan trọng về tổng giám đốc- Ảnh 1.

Ông Từ Tiến Phát giữ chức Tổng Giám đốc ACB với nhiệm kỳ 3 năm.

Năm 2024, hoạt động tín dụng của ACB đạt 581.000 tỷ đồng, tăng 19,1% so với đầu năm. ACB duy trì tăng trưởng tín dụng ổn định, đảm bảo chất lượng danh mục cho vay nhờ tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro thấp.

Với hơn 90% danh mục cho vay thuộc về khách hàng bán lẻ, ACB thực hiện chiến lược phân tán rủi ro hiệu quả, tạo sự khác biệt so với nhiều ngân hàng khác trong ngành. Tín dụng doanh nghiệp tăng đến 25% trong năm 2024, giúp ACB đảm bảo cân bằng giữa phân khúc cá nhân và doanh nghiệp.

Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu (chưa tính CIC) của ACB là 1,39%, nằm trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Đáng chú ý, từ năm 2015, tỷ lệ nợ xấu của ACB luôn thấp hơn đáng kể so với top 10 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống.

Tại thời điểm 31/12/2024, huy động tiền gửi từ khách hàng ước đạt hơn 537.000 tỷ đồng (tăng 11,3%), với tỷ lệ CASA đạt 23%, cải thiện so với mức 22,2% của quý 3. Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) của ACB tiếp tục duy trì trên 12%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Nhiều xáo trộn ngành ngân hàng

Khác với ACB, nhân sự cấp cao ngành ngân hàng gần đây có nhiều thay đổi. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã chứng khoán: OCB) công bố thông tin về việc đã nhận đơn xin thôi nhiệm của ông Trương Đình Long – Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Vận hành, theo nguyện vọng cá nhân.

Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank – mã chứng khoán: LPB) đã thông qua quyết định miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng đối với bà Nguyễn Thị Gấm theo nguyện vọng cá nhân. Bà Nguyễn Thị Gấm năm nay 55 tuổi, có trình độ thạc sĩ tài chính kiểm soát.

Ngân hàng ACB có quyết định quan trọng về tổng giám đốc- Ảnh 2.

SHB miễn nhiệm chức vụ phó tổng giám đốc kiêm giám đốc khối công nghệ thông tin đối với ông Lưu Danh Đức.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (mã chứng khoán: SHB) cũng đã công bố quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Công nghệ thông tin đối với ông Lưu Danh Đức theo nguyện vọng cá nhân. Ông Đức năm nay 52 tuổi, có trình độ thạc sĩ Công nghệ thông tin.

Ở chiều ngược lại, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – mã chứng khoán: ABB) bổ nhiệm ông Phạm Duy Hiếu giữ chức vụ Tổng Giám đốc ABBank kể từ ngày 1/1. Ông Hiếu năm nay 47 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ tài chính của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, có bề dày hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank – mã chứng khoán: KLP) vừa công bố và trao quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hồng Vân giữ chức vụ Phó tổng Giám đốc, có hiệu lực từ ngày 3/1. Bà Vân gia nhập KienlongBank từ tháng 12/2021 và đảm nhiệm vị trí Trợ lý Tổng giám đốc cho đến nay.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật