Cổ phiếu STB của Sacombank – ngân hàng Việt Nam đầu tiên lên sàn chứng khoán vừa có phiên bứt phá ngoạn mục để lập đỉnh mới. Đóng cửa phiên 24/2, thị giá STB dừng ở mức 39.400 đồng/cp, tăng gần 29% sau một năm. Vốn hóa thị trường của Sacombank cũng theo đó lập kỷ lục mới hơn 74.000 tỷ đồng (~3 tỷ USD).

Sacombank là ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng với giá 200.000 đồng/cổ phiếu vào năm 1996. Sau đó 10 năm, ngày 12/7/2006, Sacombank đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HoSE. Năm 2017, ngân hàng này từng có ý định đổi mã chứng khoán từ STB sang SCM và chuyển sàn sang HNX nhưng cổ đông không thông qua.
Từ đó đến nay, cổ phiếu STB trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn “yên vị” tại HoSE và đang vươn lên trở thành một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu. Sacombank cũng thu hút nhiều quỹ ngoại lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể kể đến như nhóm Dragon Capital, Pyn Elite Fund, Tianhong Vietnam,…
Sacombank thậm chí còn là khoản đầu tư lớn nhất danh mục của Pyn Elite Fund – quỹ ngoại quy mô 820 triệu EUR (~22.000 tỷ đồng), với tỷ trọng lên đến hơn 20% tại ngày cuối tháng 1/2025. Trong thư gửi nhà đầu tư cuối năm ngoái, ông Petri Deryng – người đứng đầu Pyn Elite Fund cho rằng Sacombank là một ngân hàng thương mại lớn, được quản lý tốt, có thương hiệu được công nhận rộng rãi và có uy tín tốt về các dịch vụ của mình.

Theo Pyn Elite Fund, việc tiếp quản Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) thành công, dẫn đến việc xóa nợ dài hạn đối với các khoản NPL được sáp nhập vào Sacombank. Tổng cộng 37.000 tỷ tiền thanh lý tài sản thế chấp đối với các khoản vay không hoạt động này đã được tích lũy trong các mục ngoài bảng cân đối kế toán của ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc hoàn tất gần đây.
Thời điểm cuối năm ngoái, quỹ ngoại này cho rằng cổ phiếu STB giao dịch ở mức định giá P/E và P/B rất vừa phải, và có tiềm năng tăng giá đáng kể. “Việc ghi nhận các khoản phải thu đã thanh toán vào vốn chủ sở hữu của ngân hàng sẽ làm tăng đáng kể vốn chủ sở hữu của Sacombank. Theo tính toán của Pyn Elite Fund , P/B của STB có thể giảm xuống 0,7” , ông Petri Deryng nhấn mạnh.
Về kết quả kinh doanh năm 2024, Sacombank lãi trước thuế trên 12.720 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước và vượt 20% kế hoạch đưa ra cho cả năm nay (10.600 tỷ đồng) trước thuế. Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Sacombank đạt 748.094 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 12%, tiền gửi khách hàng tăng 11%. Tổng nợ xấu tính đến 31/12/2024 của Sacombank là 12.957 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng nhẹ từ mức 2,28% đầu năm lên 2,4% tính đến cuối năm 2024.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2024 lên đến hơn 28.400 tỷ đồng. Vấn đề chia cổ tức do đó luôn là mối quan tâm lớn của các cổ đông ngân hàng này tại mỗi kỳ ĐHĐCĐ, khi nhìn vào con số lợi nhuận giữ lại ngày càng lớn. Các lãnh đạo cấp cao ngân hàng này đã nhiều lần chia sẻ, các thủ tục cần thiết đã được Sacombank đệ trình Ngân hàng Nhà nước, ngay sau khi được phê duyệt sẽ tiến hành chia cổ tức cho cổ đông.