Ngày 22/1/2025, UBND Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng đã ban hành quyết định cấm Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Construction – mã CTR) tham gia hoạt động đấu thầu tại các dự án do quận làm chủ đầu tư trong thời gian 3 năm, từ ngày 22/1/2025 đến 22/1/2028. Lý do là công ty bị phát hiện có hành vi gian lận trong hồ sơ dự thầu tại gói thầu xây lắp, thiết bị và thu hồi vật tư thuộc dự án nhà làm việc UBND Phường Mân Thái.
Ảnh minh họa |
Theo khoản 4 Điều 16 Luật Đấu thầu, các hành vi như làm giả, làm sai lệch thông tin, cung cấp tài liệu không trung thực trong hồ sơ đấu thầu nhằm làm sai lệch kết quả đều bị cấm theo quy định pháp luật.
Lãi 539 tỷ đồng năm 2024
Dù gặp vướng mắc tại Quận Sơn Trà, kết quả kinh doanh của Viettel Construction trong năm 2024 vẫn ghi nhận tăng trưởng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu công ty đạt 12.613 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 539 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,6%. Sang năm 2025, Viettel Construction đặt mục tiêu doanh thu gần 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 721,4 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản công ty đạt 7.067 tỷ đồng trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền ở mức 887 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty ở mức 5.204 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu đạt 1.862 tỷ đồng.
Trong danh mục phải thu ngắn hạn, Viettel Construction ghi nhận một số khoản phải thu đã trích lập dự phòng lớn từ các đối tác. Đáng chú ý có: FLC Faros (phải thu 20,6 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 100%); Nhóm doanh nghiệp liên quan Novaland gồm Công ty TNHH Delta Valley Bình Thuận (phải thu 32,4 tỷ đồng, dự phòng 22,6 tỷ), Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley (phải thu 16,8 tỷ đồng, dự phòng 11,8 tỷ).
Việc trích lập dự phòng lớn phản ánh mức độ rủi ro trong việc thu hồi nợ, đặc biệt là từ các doanh nghiệp bất động sản. Dù có kết quả kinh doanh khả quan, Viettel Construction sẽ phải đối mặt với áp lực trong việc cải thiện danh mục công nợ và duy trì tăng trưởng bền vững trong bối cảnh bị hạn chế hoạt động đấu thầu tại một số địa phương.